Dự án “Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh” được đặt tại Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ ngốn hết 353 tỷ đồng. Trong quảng trường có đặt tượng Hồ Chí Minh cao 18m, nhưng kinh phí làm tượng thì giới chức tỉnh này không tiết lộ.

tượng đài Hồ Chí Minh, Kiên Giang
Phối cảnh quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh ở Phú Quốc. (Ảnh: VNExpress)

Truyền thông trong nước vừa cho biết, Kiên Giang đã công bố quy hoạch chi tiết dự án “Quảng trường trung tâm và tượng đài Hồ Chí Minh” tại huyện Phú Quốc.

Dự án sẽ ngốn hết 353 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương 200 tỷ), xây trên quy mô 8,29 ha, dự kiến được thực hiện năm 2021.

Quảng trường có sức chứa 20.000 người đặt tại trung tâm của đô thị Dương Đông, được xây dựng ở khu vực sân bay cũ Phú Quốc.

Trong tổng diện tích 8,29 ha, đất đặt tượng đài Hồ Chí Minh là 7.822 m2; sân đất quảng trường 26.579 m2; đất cây xanh vườn hoa, cây xanh cảnh quan 33.079 m2; đất khu điều hành đón tiếp, dịch vụ và phụ trợ 7.676 m2; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật 7.747m2.

Riêng về tượng đài Hồ Chí Minh, báo chí trong nước không mô tả nhiều về chất liệu, giá tiền, mà chỉ cho biết chiều cao tượng là 18m.

Sau lưng tượng đài sẽ bố trí một mảng phù điêu dạng 2 mặt, dài 60m, cao trung bình 8m; phía sau phù điêu đắp một gò đất cao 4,5m, trồng vườn cây cao nhiều tầng, nhiều lớp,…

Kiên Giang là một trong số 14 tỉnh nghèo (gồm: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) thuộc diện phải xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, vì nằm trong đề án “Quy hoạch hệ thống tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030”.

Hồi tháng 5/2017, tỉnh nghèo Bình Định đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành cao 15,5m, nặng 30 tấn, đặt trong không gian rộng hơn 3.100m2 tại quảng trường trung tâm tỉnh ở TP Quy Nhơn. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng tượng đài trên 118 tỷ đồng.

Mới đây, hồi giữa tháng 6/2020, tỉnh nghèo Quảng Bình tiếp tục khánh thành công trình quảng trường Hồ Chí Minh với kinh phí 120 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 30 ngày đi vào sử dụng, mạng xã hội Việt Nam đã lan truyền nhiều hình ảnh cho thấy, công trình này có dấu hiệu xuống cấp, khiến nhiều người bức xúc, cho rằng: “cán bộ ăn quá dày rồi”; “Đập bỏ hết đi. Tiền thuế của dân không phải để xây tượng đài!”; “Lỗi này đầu tiên phải trách Ban tuyên giáo, đến giờ này còn tuyên truyền bằng khẩu hiệu, cổng chào và tượng đài. Thế này thì dân tộc làm sao có thể phát triển được???”.

Tin liên quan, hồi tháng 9/2019, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục đồng ý để Kiên Giang tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc và lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế).

Minh Long