Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đã cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Trong khi đó, con số lao động bị sa thải tại Bình Dương trong 10 tháng qua là 28.000 người.

samho angiang 0
Công ty An Giang Samho (tỉnh An Giang) cắt giảm 5.365 lao động từ tháng 10 đến hết tháng 12/2022. Bị công nhân tập trung phản đối, công ty công bố hỗ trợ 2 triệu đồng/người. (Ảnh chụp màn hình clip/Nguyễn Nhung/Facebook)

Ngày 24/11, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho hay trong quý 3 và quý 4/2022, tại tỉnh Đồng Nai có 100 doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng khiến 200.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất thuộc ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ, điện tử.

Các giải pháp được doanh nghiệp áp dụng như cho công nhân nghỉ hằng năm, cắt giảm giờ làm, trả lương ngừng việc… Theo thống kê từ báo cáo của các doanh nghiệp, từ tháng 6 đến tháng 10/2022, tổng số lao động bị cắt giảm tại các doanh nghiệp là khoảng 20.000 người.

Tính đến ngày 31/10/2022, tỉnh Đồng Nai có trên 41.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có gần 10.000 doanh nghiệp có tham gia đóng BHXH với số lượng lao động tham gia BHXH là 813.000 người, trong đó có 795.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 1.551 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 540. 000 lao động.

Tại tỉnh Bình Dương, với hơn 30 khu công nghiệp đang hoạt động, tỉnh này được xem là “thủ phủ” công nghiệp, với nguồn lao động từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Trải qua hai năm dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), sang nửa cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đối diện tình trạng đơn hàng bị cắt giảm 30-70%, thậm chí không có đơn hàng.

Thị trường lao động trở nên rối ren khi hơn 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm, tính từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10/2022, theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh.

Trong đó, số lao động bị tạm ngưng hợp đồng trong tháng 10 tăng khoảng 14.000 người so với 9 tháng đầu năm. Tổng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022 là khoảng 70.000 người.

Ngày 9/11 vừa qua, bà Trần Thị Thanh Hà – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết hiện có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng do đơn hàng giảm.

Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (trong đó có 331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%), khiến 624.786 lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Trong đó, lao động mất việc chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…, chiếm hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng, 68% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.

Chiều 23/11, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM thừa nhận doanh nghiệp, người lao động trong các lĩnh vực như giày da, may mặc, đồ gỗ, nội thất đang gặp rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của lạm phát, tình hình xung đột, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm…, các đơn hàng quốc tế giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép của năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Ông Trung cho hay TP.HCM hiện ghi nhận khoảng 2.600 người bị cắt giảm công việc. Tuy nhiên, theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM, số lao động bị ảnh hưởng thu nhập lên tới 50.157 người (tại 155 doanh nghiệp đang gặp khó khăn), tính đến ngày 15/11/2022. Ông Trung dự báo Tết năm nay, có những doanh nghiệp sẽ không có tiền thưởng, lương tháng 13…

Sơn Nguyên