Ngày 20/10, tại cuộc họp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải Việt Nam cảnh báo 5 năm nữa Việt Nam sẽ cạn kiệt cát tự nhiên do cát sông bị khai thác quá mức. 

cat tac khoai chau huong yen 14 1
Một điểm hút cát, tập kết cát bên bờ sông Hồng, đoạn xã Tân Châu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên.(Ảnh: Xuân Tường/2017)

Cuộc họp xoay quanh nội dung giới thiệu vật liệu, công nghệ mới trong xây dựng công trình. Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) kiến nghị Sở GTVT TP.HCM cho phép ứng dụng rộng rãi cát xay trong bê tông nhựa, bê tông xi măng tại TP.HCM.

Các chuyên gia cho biết cả nước hiện cần khoảng 100 triệu m3 cát để làm bêtông/năm. Trong khi đó, 5 năm nữa Việt Nam sẽ cạn kiệt cát tự nhiên do cát sông bị khai thác quá mức.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu cát, cần sản xuất cát xay công nghiệp bằng cách nghiền các loại đá tự nhiên, dùng chế tạo bê tông nhựa và bê tông xi măng cho các công trình xây dựng. Cát xay có giá rẻ hơn 10-15% so với cát tự nhiên, và đá gốc tại miền Nam có thể sử dụng để sản xuất cát xay.

Tuy nhiên, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội cho biết cát xay có thể dùng để san lấp hoặc làm bê tông, nhưng trộn vữa để xây, trát thì không được.

Thông tin cảnh báo cát tự nhiên của Việt Nam có thể bị cạn kiệt được Straits Times (Singapore) đăng lại ngày 25/10. Bài báo dẫn lại thông tin từ Tuổi Trẻ (23/10/2017) cho hay giá cát đã tăng 200% trong vòng 6 tháng qua do cát bị thiếu hụt khi các địa phương xử lý nạn khai thác cát trái phép và hiện không có dấu hiệu giảm bớt.

Theo Straits Times, cát dọc theo các con sông tại các tỉnh của Việt Nam từ lâu đã được xuất khẩu sang nhiều nước, bao gồm cả Singapore, và hiện Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Bộ Xây dựng ngừng xuất khẩu cát.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 67 triệu m3 cát sang Singapore với giá chỉ 1 USD/m3. Tuy nhiên, trên Người Tiêu Dùng (6/2017), đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh đó là cát đã xuất qua Singapore, còn khai thác cát lậu trong nước bao nhiêu? Tiền vào túi ai? Đặc biệt cái giá phải trả cho việc hút hàng trăm triệu tấn cát như thế nào?

Ngày 12/7/2017, Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia thông báo chính thức chấm dứt bán cát cho Singapore, nơi nhập khẩu phần lớn cát của Campuchia trong nhiều năm qua. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh cát vẫn được xuất khẩu trái phép bất chấp lệnh cấm tạm thời vào tháng 11/2016.

Tại thời điểm dừng bán, Singapore là thị trường nhập khẩu cát chính của Campuchia, từ 2007 đã nhập hơn 72 triệu tấn, trị giá hơn 740 triệu USD.

Trước đó hơn 10 năm, tháng 1/2007, Bộ Thương mại Indonesia bất ngờ tuyên bố cấm xuất khẩu cát với lý do xuất khẩu cát không những hủy hoại môi trường mà còn nguy hại đến an ninh quốc gia. Quyết định trên gây nên cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về giá vật liệu tại Singapore. Tại thời điểm trên, Singapore là quốc gia nhập khẩu đến 2/3 trong tổng số cát xuất khẩu của quốc gia này.

Còn Malaysia thì đã cấm xuất khẩu cát từ năm 1997 do lo ngại về vấn đề môi trường, đồng thời phản đối dự án lấn biển của Singapore.

Vĩnh Long

Xem thêm: