Hôm nay, 23/4, kỳ họp 11 Quốc hội 14 khai mạc. Trước đó, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Quốc hội báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước. Nội dung báo cáo có một số điểm đáng chú ý, theo trích lược từ truyền thông trong nước.

pho chu tich nuoc do ba ty
Một trong 4 Phó Chủ tịch Quốc hội là Đại tướng quân đội Đỗ Bá Tỵ, giữ vị trí trên từ ngày 5/4/2016. (Ảnh: quochoi.vn/2016)

Một nhiệm kỳ thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước

Báo cáo do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký cho hay nhiệm kỳ 2016 – 2021 là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước.

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần (21/9/2018), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 – 23/10/2018. Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và bầu các chức vụ gồm: Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Báo cáo cho hay trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa 14, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

400 sĩ quan quân đội, 174 sĩ quan công an được lên cấp tướng

Báo cáo do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Quốc hội về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước cho biết trong 5 năm qua,

Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân và 174 sĩ quan Công an nhân dân.

Trong 400 sĩ quan quân đội được thăng cấp tướng có 319 trường hợp từ Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc (1 trường hợp truy thăng); 71 từ Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc lên Trung tướng, Phó Đô đốc; 9 từ Trung tướng, Phó Đô đốc lên Thượng tướng, Đô đốc; 1 từ Thượng tướng lên Đại tướng.

Đối với ngành công an, trong 174 sĩ quan công an được thăng cấp bậc hàm cấp tướng có 147 trường hợp từ Đại tá lên Thiếu tướng; 26 từ Thiếu tướng lên Trung tướng; 1 trường hợp từ Thượng tướng lên Đại tướng.

Trong 5 năm, có 4 sĩ quan cấp tướng bị tước danh hiệu Công an nhân dân, 2 sĩ quan cấp tướng bị giáng cấp bậc hàm.

Có 45 sĩ quan Quân đội được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi; cử hai lượt bệnh viện Dã chiến cấp 2 (126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Xu-đăng.

Hơn 43.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong 5 năm

Liên quan lĩnh vực tư pháp, trong ngày Quốc khánh 2/9/2016, Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.384 phạm nhân, trong đó 4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam.

Đáng chú ý, báo cáo cho hay trong nhiệm kỳ vừa qua, việc thực hiện thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, xét đơn xin ân giảm án tử hình và thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật còn gặp khó khăn do số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh.

Tổng cộng có 94 bị án được ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân; 295 bị án bị bác đơn xin ân giảm.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã nhận được hơn 43.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước, trong đó phần lớn liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.

‘Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm’

Báo cáo cho hay trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng.

Về hạn chế, thì việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Ngoài ra, Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Nhiều hoạt động trong chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước phải tạm hoãn hoặc chuyển sang thời điểm khác phù hợp, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (tức viêm phổi Vũ Hán).

Thủ tướng đương nhiệm được giới thiệu để bầu tân Chủ tịch nước

Theo dự kiến, tại kỳ họp 11 Quốc hội 14 khai mạc vào 24/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào chiều 1/4 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Đến sáng 2/4, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Người được giới thiệu để bầu tân Chủ tịch nước dự kiến là ông Nguyễn Xuân Phúc, hiện đang giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Việt Nam công bố lịch trình bầu lãnh đạo chủ chốt