51,8% sinh viên tại các trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên và Trường Đại hoc Hồng Đức tham gia khảo sát đã từng ít nhất bị một lần quấy rối tình dục. Tình trạng này cũng xảy ra đối với cán bộ, giảng viên tại 3 ngôi trường trên, với con số lên tới 30,2%. 

518 sv 302 can bo giang vien 3 truong su pham tung bi quay roi tinh duc
Ngày nhập học của sinh viên K72 Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 9/2022. (Ảnh minh họa: Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội/Facebook)

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giảng đường an toàn” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Cơ quan Liên Hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNWOMEN) và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 7/12.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng khoa Khoa Tâm lý Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết hiện nay Việt Nam chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ và mức độ các hình thức bạo lực với cán bộ, giảng viên và sinh viên, sinh viên nữ trong các trường đại học để so sánh với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện tại 3 trường – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên và Trường Đại hoc Hồng Đức – từ tháng 2-6/2022, với 1.809 mẫu khảo sát, kể từ đầu năm học 2021-2022, có 944 sinh viên (chiếm 51,8%) đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.

Đáng lưu ý, có 30,2% cán bộ, giảng viên (105/350 cán bộ, giảng viên) ở cả 3 trường đã từng bị ít nhất một trong các hành vi quấy rối tình dục, chiếm 1/3 số lượng cán bộ, giảng viên tham gia khảo sát.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy có 68,8% nạn nhân bị quấy rối tình dục còn e dè, lo sợ tiết lộ câu chuyện riêng tư của mình và đặc biệt lo sợ bị đánh giá là nguyên nhân gây nên sự việc. 50% nạn nhân lo lắng bị trả thù hoặc lo sợ bị tiết lộ chuyện.

Tại cổng bình luận online, trả lời cho câu hỏi: “Vì sao người bị bạo lực tình dục không lên tiếng?”

“Người bị bạo lực sợ trở thành trung tâm của sự chú ý”

“Sợ những người xung quanh không đứng ra để giúp đỡ mình”

“Sợ bị đe dọa đến tính mạng, không đủ can đảm để lên tiếng, nghĩ rằng đó là “chuyện nhỏ” nếu có báo cho chính quyền cũng khó được giải quyết”.

“Sợ bản thân trở thành chủ đề bàn tán của mọi người, càng nhiều người biết thì câu chuyện càng bị thổi phồng”.

Cũng theo nhận định của sinh viên khi được khảo sát, giảng đường, thư viện là nơi an toàn nhất; tiếp đến là kí túc xá, phòng chờ, nhà để xe… Địa điểm sinh viên ở cả 3 trường đánh giá không an toàn nhất là đường về kí túc xá và cổng trường.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu nhận định những rủi ro và hình thức bạo lực mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt thay đổi trong suốt cuộc đời, cũng như các mối quan hệ và hoàn cảnh của họ. Khuôn viên trường đại học tạo ra một loạt rủi ro riêng cho phụ nữ bao gồm tiếp xúc và trải nghiệm bạo lực như tấn công tình dục, rình rập, bạo lực bạn tình, bạo lực hẹn hò và quấy rối tình dục.

Trên thế giới, có những bằng chứng cho thấy bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề nghiêm trọng tại các trường đại học. Ví dụ, một khảo sát quốc gia cho thấy 51% sinh viên ở Úc đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong năm 2016 và 6,9% sinh viên từng đối mặt với tấn công tình dục ít nhất một lần vào năm 2015 hoặc 2016.

Tại Ai Cập, 70% phụ nữ tại Đại học Cairo từng bị quấy rối tình dục vào năm 2015. Các chuyên gia tin rằng hầu hết các vụ việc đều không được báo cáo.

Dù Việt Nam chưa có số liệu tương tự để so sánh với các nước khác nhưng Nghiên cứu Quốc gia lần 2 về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời do chồng hoặc bạn tình gây ra.

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình, UN Women cho biết: “Bạo lực giới là thực trạng hiện diện ở mọi nơi và xảy ra với mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Bạo lực giới tại trường học và khuôn viên trường đại học bao gồm quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nền giáo dục, nguồn nhân lực và kinh tế của quốc gia”.

Ông Phạm Hùng Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị, Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng để đạt được bình đẳng giới cần có sự tham gia của không chỉ phụ nữ, mà nam giới cũng đóng vai trò quan trọng.

Đại diện 18 trường đại học trên cả nước tham dự tọa đàm thừa nhận sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bản thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.

Vĩnh Long