Gần 520.000 trẻ em tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là những công việc có những nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ.

em be 14 tuoi bi hanh ha banh xeo mien trung
Hồi tháng 11, bé trai 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh đánh đập với nhiều vết thương trên người khiến dư luận bức xúc. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Một cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em do Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam thực hiện năm 2018 nhưng mới được công bố gần đây cho thấy, có có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, khoảng hơn một triệu em ở độ tuổi từ 5 tuổi đến 17 tuổi.

Đáng chú ý, có gần 520.000 lao động trẻ em phải làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong khu vực như: công nghiệp và xây dựng… Đây là những công việc có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ.

Số giờ làm việc của lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.

So sánh với tỷ lệ đi học bình quân trên cả nước là 94,4% thì chỉ có một nửa số LĐTE được đi học. Riêng nhóm lao động trẻ em bị buộc làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ có 38.6% là được đi học.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho rằng làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, quá giờ, thậm chí trái pháp luật gây tổn hại đến thể chất, tinh thần, cản trở việc học hành và tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em.

Tổ chức ILO cho biết với sự hỗ trợ của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ, ILO đang triển khai dự án ENHANCE (Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam) nhằm hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy các giải pháp quốc gia cho Việt Nam giải quyết lao động trẻ em.

Hiện dự án đang nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em trong một số lĩnh vực ưu tiên như may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp và khai thác thủy sản.

Minh Long