Khoảng hơn 2 ngày sau khi bị xác định đã liệt hoàn toàn, 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TP.HCM được xác nhận đã có thuốc giải độc, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chuyển từ kho tại Thụy Sĩ về Việt Nam. 

them 3 ca ngo doc botulinum sau khi an cha lua va mam 1
Ba bệnh nhi được truyền thuốc BAT từ 2 lọ cuối cùng. Hiện các bệnh viện phía Nam không còn thuốc này để điều trị cho 3 bệnh nhân mới. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy/Facebook)

Tối 24/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay Bộ Y tế đã chuyển 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ về Việt Nam để điều trị ngộ độc cho 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TP.HCM đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Vào chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội, đề nghị WHO hỗ trợ thuốc điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam khi các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, cả nước không còn thuốc giải.

WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc BAT cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM. Khoảng 19h ngày 24/5, đại diện WHO mang thùng chứa 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent từ kho của WHO tại Thuỵ Sĩ đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Sau khi hạ cánh xuống sân bay, 6 lọ thuốc trên được đại diện của Cục Quản lý Dược và Sở Y tế TP.HCM tiếp nhận, vận chuyển về Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Trong số 6 lọ thuốc BAT, 1 lọ được giữ lại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, 2 lọ được phân phối về Bệnh viện Chợ Rẫy, để điều trị cho 3 bệnh nhân tại hai bệnh viện này.

Ba lọ thuốc còn lại được Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận. Bệnh viện này hiện đang điều trị cho 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum trước đó, đã được giải độc từ 2 lọ BAT sót lại được chuyển từ Quảng Nam vào TP.HCM.

3/6 bệnh nhân may mắn thoát liệt

Trong các ngày 13-14/5, TP. Thủ Đức (TP.HCM) liên tiếp ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc botulinum. Trong đó, 5 bệnh nhân được xác định ngộ độc do ăn chả lụa bán dạo có nguồn gốc từ một cơ sở sản xuất chưa được cấp phép, 1 bệnh nhân ngộ độc do ăn hủ mắm để lâu ngày.

Ba bệnh nhân được xác định nhiễm độc trước là anh em ruột (10 tuổi, 13 tuổi và 14 tuổi, cùng ngụ TP. Thủ Đức), bị ngộ độ botulinum vào ngày 13/5, sau khi ăn chả lụa từ người bán dạo. Ba bệnh nhân này may mắn được truyền thuốc BAT giải độc vào rạng sáng ngày 16/5. Số thuốc trên là 2 lọ còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3/2023, được chuyển gấp từ Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam về TP.HCM (đều cùng trong lô thuốc 12 lọ do WHO viện trợ).

Theo thông tin cập nhật từ TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy theo báo Thanh Niên ngày 23/5, trong 3 bệnh nhi, một em ăn với lượng quá nhiều nên mức độ độc nặng hơn, dù đã được dùng thuốc BAT nhưng vẫn chuyển sang giai đoạn thở máy. May mắn là nhờ có thuốc giải độc nên 3 em diễn tiến lâm sàng nhẹ nhàng, trong đó 2 em thở máy có cải thiện về sức cơ, được hy vọng sẽ hồi phục và cai máy thở trong những ngày tới.

Ba bệnh nhân còn lại nhập viện khi các bệnh viện đã không còn thuốc giải. Trong đó, hai anh em 18 và 26 tuổi bị ngộ độc từ ngày 13/5, do ăn chả lụa từ người bán dạo, và một người đàn ông trung niên 45 tuổi bị ngộ độc sau khi ăn mắm ủ để lâu ngày.

Đến chiều 22/5, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận cả 3 bệnh nhân cùng phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0/5, có nghĩa là đã liệt hoàn toàn. Nếu diễn tiến đến liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp cấp, bệnh nhân có thể tử vong nếu không điều trị hỗ trợ.

Khi bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc giải

Bác sĩ Hùng cho biết nếu bệnh nhân được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48h đến 72h có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy. Trung bình từ 5-7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Nếu không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3-6 tháng và có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng.

Bác sĩ Hùng cho hay trên thế giới, các ca ngộ độc botulinum không phải hiếm. Theo số liệu tại Mỹ, mỗi năm nước này vẫn ghi nhận dao động từ 150 – 300 ca ngộ độc botulinum.

Còn ở Việt Nam, trước đây ít có khả năng để chẩn đoán được bệnh này. Đến những năm gần đây, đặc biệt năm 2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên chẩn đoán được chùm ca bệnh botulinum sau khi liên kết làm xét nghiệm chẩn đoán với Viện Vệ sinh Dịch tễ TP.HCM và các đơn vị khác thì giống như hồi chuông báo động để các bác sĩ trên toàn quốc biết và lưu ý đến loại bệnh này.

Thuốc BAT được xếp vào loại thuốc hiếm khi có giá từ vài ngàn USD đến hàng chục ngàn USD trong khi hạn sử dụng ngắn, bảo quản gắt gao hơn cả vắc-xin (âm 40 độ C). Do đó, nhiều bệnh viện không có điều kiện mua, lưu trữ loại thuốc này.

Hiện thuốc BAT chưa nằm trong danh mục các thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả. Tại thời điểm bùng phát ngộ độc botulinum ở nhiều tỉnh, thành có nguồn gốc từ sản phẩm pate Minh Chay (2020 – 2021), Bộ Y tế đề nghị và được WHO viện trợ cho Việt Nam 2 đợt, tổng 12 lọ thuốc giải độc botulinum (giá trị dao động từ 6.000 – 8.000 USD/lọ).

3/5 lọ được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam giải độc cho bệnh nhân hồi tháng 3 vừa qua, 2 lọ còn lại vừa được chuyển ngược lại Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị cho 3 bệnh nhi hôm 16/5.

Trong bối cảnh tiếp tục khủng hoảng thuốc giải độc botulinum, theo truyền thông nhà nước, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Nguyễn Sơn