Ngoài ra, chỉ tính riêng tháng 6/2018, mưa lũ khiến 33 người chết và mất tích; 509 nhà dân sập đổ; 14.525 nhà dân bị hư hỏng, ngập nước,… thiệt hại ước tính trên 868,5 tỷ đồng.

mưa lũ
Mưa lũ tại Lai Châu. (Ảnh: laichau.gov.vn)

Chiều ngày 9/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và và đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai trong đợt lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo Ban chỉ đạo, 6 tháng đầu năm 2018, thiên tai đã làm 75 người thiệt mạng và mất tích, 48 người bị thương.

Trong đó, tính riêng đợt mưa lũ cuối tháng 6/2018 xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến:

  • 33 người chết và mất tích;
  • 509 nhà dân bị sập, đổ;
  • 14.525 nhà dân bị hư hỏng, ngập nước;
  • 16.100 ha cây trồng bị ngập, hư hỏng;
  • 26.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi;
  • 9km đê dưới cấp IV, kênh mương thủy lợi bị sạt trượt…

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, bao gồm: 2 cơn bão, 2 ATNĐ, 88 trận dông, lốc sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại…

Trong đó, đặc biệt là đợt rét từ ngày 28/1 – 7/2 có nhiệt độ xuống rất thấp dưới 3 độ C; mưa đá, dông lốc trên diện rộng từ 14-15/4; đợt nắng nóng được đánh giá là gay gắt nhất từ đầu năm đến nay vừa kết thúc với nhiệt độ cao nhất đã ghi nhận được là 41,6 độ C tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và 40,0 độ C tại Sơn Tây (Hà Nội). Riêng đợt mưa lũ, lũ quét từ ngày 23 – 26/6 vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhất là tại Lai Châu, Hà Giang đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường, từ nay tới cuối năm 2018 sẽ có khoảng 8 – 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới biển Đông.

Trong đó, có 4 – 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) trong các tháng 7, 8 và 12 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Các tháng 10, 11 xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ lớn nhất năm 2018 ở thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức báo động 2 – 3; riêng tại Hà Nội, đỉnh lũ lớn nhất thấp hơn báo động 1. Diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới nhìn chung còn nhiều phức tạp.

Cũng tại hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo – ông Nguyễn Xuân Cường cho biết chưa năm nào thời tiết có mưa lớn diện rộng, dồn dập và tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc như tháng 6 năm nay. Điều này cho thấy sự bất bình thường trong diễn biến thiên tai hiện nay. Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai những tháng cuối năm 2018, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành, các địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết số 76 và Nghị quyết số 120 của Chính phủ.

Trước mắt, ông Cường yêu cầu cần tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đặc biệt là từ đợt mưa lớn gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; Chủ động đánh giá trước rủi ro thiên tai, nhất là đánh giá nơi ở an toàn; Tổ chức diễn tập, huấn luyện sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai,…

Văn Duy

Xem thêm: