Do 1 trong 6 hộ có khối lượng hải sản bị chênh lệch khối lượng xác minh giữa hai Sở, khoảng 600 tấn hải sản cần tiêu hủy bị tồn kho suốt 5 năm qua tại các hộ dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), kể từ sau thảm họa môi trường Formosa. 

tieu huy hai san 3
Hàng hải sản tồn kho bị hư hỏng tại cơ sở của bà Lê Thị Thuộc (khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) được bốc dỡ, tiêu hủy hôm 8-9/5/2020, 4 năm sau thảm họa Formosa. (Ảnh: Diệu Hằng/stnmt.quangtri.gov.vn)

Theo báo Tiền Phong, ngày 24/3, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã ban hành văn bản hỏa tốc giao Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp các sở: Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Tài chính, Sở Y tế và UBND huyện Vĩnh Linh đưa ra phương án tiêu huỷ 600 tấn hải sản tồn kho tại huyện này, hoàn thành trước ngày 25/3.

Đây là khối lượng hải sản cần tiêu hủy sau thảm họa môi trường do Công ty Formosa (Hà Tĩnh) gây ra hồi năm 2016.

600 tấn hải sản trên thuộc 6 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, ruốc tại huyện Vĩnh Linh, trong đó, Cơ sở nước mắm Khiêm Trọng (thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang) của ông Bùi Xuân Khiêm tồn 44,4 tấn mắm chợp nguyên liệu và sản phẩm ruốc; Cơ sở nước mắm Huỳnh Kế (khu phố An Du Đông 2, thị trấn Cửa Tùng) của bà Lê Thị Huỳnh tồn kho 252,6 tấn mắm chợp nguyên liệu và 17 tấn ruốc thành phẩm.

5 năm trước, khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kiểm tra xác nhận số hàng trên không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng tồn kho nhiều năm qua đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, song vẫn chưa được quyết định tiêu hủy.

Chậm tiêu hủy do 1 hộ bị chênh lệch khối lượng xác minh?

Giải thích về tình trạng trên, báo Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cho hay khối lượng hải sản bị hư hỏng của 1 trong 5 hộ (hộ Lê Thanh Tùng, khu phố An Hoà 2, Cửa Tùng) do Sở NN-PTNT tỉnh xác minh nguồn gốc, phân loại chênh lệch với khối lượng được Sở Y tế kiểm tra chất lượng, dẫn đến việc tiêu huỷ hải sản tồn kho bị chậm.

Các chủ cơ sở cho hay đã viết đơn đề nghị mà không được phản hồi, trong khi cuộc sống đảo lộn, thu nhập giảm sút.

Ông Khiêm cho biết tổng công suất kho chứa của gia đình ông là 100 tấn hải sản, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng và tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Vậy nhưng, do sự cố môi trường biển Formosa và tình trạng tồn kho nói trên, 5 năm qua, ông mất gần một nửa diện tích kho để chứa hàng chục tấn hải sản tồn kho, hư hỏng. Ngoài phải chịu đựng mùi hôi thối, ruồi bâu đen, thì sản phẩm mới (nước mắm, ruốc) các cơ sở trên làm ra không ai mua, vì khách mua lo ngại chủ cơ sở dùng hàng tồn kho trộn lẫn.

Bà Huỳnh cho hay “các cơ quan chức năng làm việc quá chậm”, cuộc sống của gia đình và hàng xóm bị đảo lộn nhiều năm qua trong mùi hôi thối. Cơ sở sản xuất của gia đình bà hiện chỉ hoạt động cầm chừng, mất thu nhập, lao động mất việc làm…, dù trước năm 2016, mỗi năm có thu nhập 500 triệu đồng, theo báo Nông nghiệp.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/moi-truong/formosa-ha-tinh-khac-phuc-xong-o-nhiem-duoc-dung-giam-sat-dac-biet.html