Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) cho biết 7 bệnh nhân ngộ độc Botulinum, sau khi sử dụng pate Minh Chay vẫn chưa cai được máy thở, việc hồi phục khá khó khăn, nguy cơ để lại nhiều biến chứng như tổn thương phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng tim mạch,…

pate Minh Chay, Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân ngộ độc từ sản phẩm pate Minh Chay đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh chụp màn hình)

Báo chí Việt Nam dẫn lời TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận thêm một trường hợp ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng pate Minh Chay, của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Đây là bệnh nhân thứ 7 đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân tên L.T.H, nữ giới, (35 tuổi, ở Bà Rịa – Vũng Tàu), ăn một lượng ít Pate Minh Chay vào hôm 22/7 , rồi về quê Thanh Hóa, sau đó xuất hiện tình trạng mệt, yếu chi.

Bệnh nhân từng điều trị ở Bệnh viện Thanh Hóa vào hôm 26/7, chuyển đến Bệnh viện quân y 103 hôm 28/7 và đến Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 25/8 mới được phát hiện bị ngộ độc botulinum, có trong sản phẩm Pate Minh Chay.

Theo bác sĩ Hùng, trong 7 bệnh nhân đang điều trị, tính tới thời điểm hiện tại, chưa có bệnh nhân nào cai được máy thở và việc hồi phục khá khó khăn.

Ngoài ra, việc thở máy kéo dài khiến các bệnh nhân sẽ phải đối diện nhiều nguy cơ biến chứng như tổn thương phổi, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng tim mạch, tiêu hóa,…

Dự kiến, hôm nay các bệnh viện sẽ có thuốc giải độc để sử dụng cho những bệnh nhân ngộ độc sau ăn Pate Minh Chay.

Tính đến ngày 11/9, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận 10 trường hợp ngộ độc Botulinum, gồm: 7 người tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và một người tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Trong khi đó, thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị này đã ghi nhận 1.920 khách mua sản phẩm pate Minh Chay.

Nhưng, Ban Quản lý hiện chỉ liên hệ được 1.107 người và thu hồi được 274 hộp sản phẩm.

Minh Long