7 cựu nhân viên của ngân hàng HDBank – phòng giao dịch (PGD)Đông Sài Gòn đã bị đề nghị truy tố, liên quan đến việc một giao dịch viên nhiều lần giả mạo chữ ký rút nhiều tỷ đồng từ sổ tiết kiệm của khách hàng.

Ngày 3/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 7 cựu lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng HDBank – PGD Đông Sài Gòn để điều tra về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, 6 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động liên quan đến hoạt động ngân hàng” gồm:

  • Phạm Thị Ngọc Toan (cựu phó phòng dịch vụ khách hàng và ngân quỹ);
  • Nguyễn Ngọc Ái Quyên (cựu giám đốc dịch vụ khách hàng);
  • Dương Hồng Nga (cựu kiểm soát viên);
  • Võ Phước Hiển (cựu giao dịch viên);
  • Tô Thị Thúy Hường (cựu kiểm soát viên);
  • Phạm Thị Vân (cựu thủ quỹ).

Riêng đối với bị can Nguyễn Thị Minh Quyên (cựu giao dịch viên) bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giả mạo chữ ký khách hàng, “bỏ túi” hơn 4,4 tỷ đồng

Theo báo Thanh Niên, qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định bị can Minh Quyên (tại thời điểm còn là giao dịch viên) đã lợi dụng vị trí công việc được giao cùng với sự thiếu thận trọng trong giao dịch, phê duyệt giao dịch, ký chứng từ chi tiền của các kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ, giả mạo chữ ký của nhiều khách hàng để rút tiền từ sổ tiết kiệm và “bỏ túi” hơn 4,4 tỷ đồng.

Cụ thể hơn 3 năm trước, từ tháng 12/2018, Minh Quyên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng để mở tài khoản, mở thẻ, nộp tiền mặt, rút tiền mặt, mở sổ tiết kiệm, rút tiền từ sổ tiết kiệm và cho vay theo sổ tiết kiệm.

Khi phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng, Quyên photo lại để giữ bản sao. Đến lúc có nhu cầu rút tiền sử dụng riêng, bị can rà soát và lấy các sổ tiết kiệm có thời gian đáo hạn xa để tránh bị phát hiện khi khách hàng đến tất toán hoặc đáo hạn. Đồng thời, để tránh phải thông qua sự phê duyệt của kiểm soát viên, bị can thường rút dưới 50 triệu đồng

Từ hệ thống phần mềm Branch Teller của ngân hàng, Quyên điền thông tin tài khoản khách hàng và số tiền tương ứng, phần mềm sẽ in một lệnh rút tiết kiệm. Kế đến, từ hệ thống lưu trữ thông tin chữ ký khách hàng, Quyên xem chữ ký mẫu của khách hàng để bắt chước rồi ký vào vị trí “chủ sở hữu“, và tự ký tên của bản thân vào phần giao dịch viên.

Cơ quan điều tra xác nhận, bị can Minh Quyên đã giả chữ ký và thực hiện tổng cộng 38 giao dịch rút tiền từ sổ tiết kiệm của khách hàng (trong đó có 29 giao dịch rút tiền dưới 50 triệu đồng/lần và 9 giao dịch rút tiền trên 50 triệu đồng/lần có sự phê duyệt của kiểm soát viên) với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng 1 năm, từ ngày 17/1/2019 đến ngày 19/12/2019, Quyên đã giả chữ ký khách hàng để rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm, “bỏ túi” tổng cộng hơn 4,4 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, Quyên khai nhận số tiền chiếm dụng đã dùng để trả nợ cho cá nhân và gia đình nên hiện không còn tiền để hoàn trả, theo Công an TP.HCM

Quản lý lỏng lẻo việc thu, chi 

Mặc dù bị can Minh Quyên đã nhiều lần rút tiền của khách hàng, từ dưới 50 đến nhiều nhất là 850 triệu đồng, nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ nên mặc dù không có khách hàng đến rút tiền thật, không có bản gốc sổ tiết kiệm nhưng kiểm soát viên vẫn thông qua.

Các cựu kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ là Toan, Ái Quyên, Nga, Hường, Hiển và Vân biết rõ các quy định, quy trình của ngân hàng liên quan đến giao dịch rút tiền từ sổ tiết kiệm đều cần sự có mặt của khách hàng. Tuy nhiên, dù không có hồ sơ, chứng từ đi kèm (bản chính sổ tiết kiệm, bản chính CMND của khách hàng), nhưng các bị can trên vẫn phê duyệt giao dịch trên hệ thống máy tính và ký bổ sung chứng từ để Quyên rút tiền. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định các bị can do tin tưởng Quyên nên chủ quan khi phê duyệt giao dịch và ký chứng từ chi tiền, theo Thanh Niên.

Minh Phương (t/h)

Xem thêm: