Sở Y tế TP.HCM dự kiến bắt đầu từ ngày 22/10 sẽ tổ chức tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho khoảng 780.000 trẻ em từ 12 -17 tuổi sinh sống hoặc học tập tại TP. Theo đó, việc tiêm vắc-xin cho hàng trăm ngàn trẻ 12-17 tuổi tại TP.HCM đang được chuẩn bị để triển khai, chỉ 2 ngày sau thông báo sẽ tiêm cho nhóm trẻ này của Bộ Y tế, và nếu được Ban Chỉ đạo TP.HCM cho phép, sẽ chính thức bắt đầu trong chưa đầy 1 tuần kể từ khi Sở Y tế TP.HCM đưa ra tờ trình kế hoạch.  

tiem vac xin covid tphcm
Một nhân viên y tế rút dung dịch vắc-xin ngừa COVID-19 vào ống tiêm, tại một điểm tiêm cộng đồng mở ở nhà trẻ tại TP.HCM, ngày 29/7/2021. (Ảnh minh họa: All themes/Shutterstock)

TP.HCM: Dự kiến 5 ngày, tiêm xong mũi 1 vắc-xin COVID-19 cho khoảng 780.000 trẻ

Ngày 14/10, Bộ Y tế ra văn bản số 8688/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Tại văn bản, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 – 17 tuổi và hạ dần độ tuổi), và “xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện”.

Ngày 16/10, Sở Y tế TP.HCM công bố tờ trình do Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng ký, gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, trong đó đưa ra dự thảo kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, đề xuất từ ngày 22/10 bắt đầu tổ chức tiêm.

Sở này cho hay Ban chỉ đạo giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ đóng vai trò chủ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, ngành y và chịu trách nhiệm về việc đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi (từ lớp 6 đến lớp 12) sinh sống hoặc học tập tại TP. Điều này đồng nghĩa trẻ em toàn thành phố trong độ tuổi trên sẽ nằm trong nhóm tiêm đợt này.

Theo Sở Y tế TP, dự kiến số lượng tiêm là khoảng 780.000 trẻ; tiêm tại các cơ sở cố định, tại các điểm tiêm lưu động và trường học. Thời gian tiêm mũi 1 trong 5 ngày, tiêm mũi 2 trong 15 ngày từ sau khi đủ thời gian tiêm mũi 1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bản dự thảo không nêu rõ loại vắc-xin sẽ tiêm, chỉ nêu “vắc-xin sử dụng là vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi, tiêm cùng loại vắc-xin”.

Nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ sẽ ký Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin COVID-19 (do Bộ Y tế đưa ra kèm CV số 8688-BYT-DP). Trẻ sau tiêm được cấp giấy xác nhận đã tiêm và tư vấn các thông tin theo dõi sức khỏe.

Theo kế hoạch này, Sở GD-ĐT TP.HCM có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh cho con em tham gia tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đồng thời, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh hoặc người giám hộ và lập danh sách người đồng ý tiêm báo cáo về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức…

phieu dong y tiem vac xin cho tre
Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đối với trẻ em, do Bộ Y tế đưa vào sử dụng. (Nguồn: Bộ Y tế)

Nhiều băn khoăn chưa được giải đáp

Với dự kiến ngày 22/10 TP.HCM bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, tức là chỉ chưa đầy một tuần kể từ khi Sở Y TP.HCM đưa ra tờ trình dự thảo kế hoạch để UBND chấp thuận.

Với số lượng khoảng 780.000 trẻ, tiêm mũi 1 trong 5 ngày, trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 156.000 trẻ em tại TP sẽ nhận tiêm. Trong khi đó, trước nhiều câu hỏi xoay quanh việc trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 hay không? Diễn biến nặng hay nhẹ? Có nên tiêm vắc-xin COVID hay không? – vẫn còn nhiều ý kiến chưa ngã ngũ.

Cổng thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 16/10 đăng bản tin khuyến nghị nên tiêm vắc-xin cho trẻ với một số dẫn chứng từ các kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiên cứu của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Bản tin cho hay “hiện nay, ngoài vắc-xin Pfizer-BioNTech COVID-19, còn có 2 loại vắc-xin khác cũng đem lại hiệu quả và có thể tiêm phòng cho trẻ em là vắc-xin Abdala và Soberana của Cuba”.

Đáng lưu ý, HCDC đưa ra thông tin gây khó hiểu như sau: “Tuy việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em có thể giúp giảm sự lây truyền bệnh nhưng điều này cũng có thể đạt được thông qua các biện pháp phòng chống dịch khác. Do đó, vẫn cần tuân thủ 5K sau khi tiêm vắc-xin để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh”. 

Chiều 11/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban chỉ đạo TP.HCM, Phó Giám đốc HCDC – ông Nguyễn Hồng Tâm nêu rõ: “Người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có khả năng mắc COVID-19 và lây cho người khác”. Theo ngành y tế TP, việc tiêm vắc-xin là để giúp bản thân người được tiêm giảm các nguy cơ mắc và chuyển biến nặng nếu bị mắc COVID-19 chứ không có nghĩa là họ không có khả năng lây lan.

Cũng trong cuộc họp báo, giới chức TP công bố tính đến 18h ngày 10/10, tại TP có 1.141 bệnh nhân là trẻ em dưới 16 tuổi trong 15.198 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, tương đương 7,5%.

Dẫn ý kiến từ chuyên gia độc lập, Tuổi Trẻ ngày 17/10 cho biết PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo nên tiêm cho trẻ từ 16 – 17 tuổi trước rồi mới hạ dần độ tuổi, và cho rằng “việc trẻ được tiêm vắc-xin phòng khi đi học sẽ tránh được nguy cơ lây bệnh, còn nếu lỡ mắc bệnh thường sẽ không bị bệnh nặng.” 

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM cho rằng: “Không nên bắt buộc tất cả trẻ từ 12 – 17 tuổi phải tiêm vắc-xin mới cho phép đến trường và tham gia sinh hoạt xã hội. Bởi tiêm vắc-xin chưa hẳn có lợi ích nhiều về y tế cho trẻ, trong khi nguy cơ bị tử vong do COVID-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với các nguyên nhân khác”.

Bác sĩ Nguyễn Huy Luân (trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho hay “dù trẻ được tiêm hay không tiêm vắc-xin, vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19” “khi đã có số lượng lớn trẻ được tiêm thì những trẻ chưa tiêm cũng được bảo vệ gián tiếp”.

Trên trang Facebook cá nhân ngày 16/10, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho hay với số lượng khoảng vài chục ngàn trẻ em mắc COVID-19 tại Việt Nam, có thể đưa ra một số nhận định rằng trẻ em mắc COVID-19 bị rất nhẹ, bình phục nhanh, và thường chỉ có nguy cơ diễn biến nặng đối với trẻ có bệnh nền.

“Theo tôi biết số trẻ không qua khỏi chưa đến 30, trong đó hầu như là những trẻ bản chất ban đầu căn bệnh nền đã nặng và mắc bệnh lý nhiễm trùng gì cũng khó chữa nên không qua khỏi…và số trẻ bị MIS (Hội chứng viêm đa hệ thống) chưa đến 20.

Do đó, theo ông Khanh, trẻ em thường ít có nguy cơ với COVID-19, trừ trường hợp trẻ nhiễm bệnh mà lây cho người nguy cơ. Do đó, ông Khanh cho rằng người lớn nên tự bảo vệ mình chứ không nên ép trẻ em khi không thật cần thiết.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Nghiên cứu mới: Sự tăng giảm dịch COVID-19 không liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng