Trong số các dự án bị thu hồi có đến 84 dự án để rừng bị phá mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn với tổng diện tích 1.157 ha. 

pha rung lam dong
Rừng trước đó UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty TNHH Du lịch – Thương mại và Dịch vụ Cát Minh nhận quản lý, bảo vệ để đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng bị phá nát. (Ảnh: baolamdong.vn)

Tại buổi họp giao ban báo chí của tỉnh Lâm Đồng vào chiều 6/8, ông Võ Danh Tuyên – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trên địa bàn hiện có 321 doanh nghiệp với 386 dự án được giao đất, thuê đất, thuê rừng để triển khai thực hiện dự án đầu tư với tổng diện tích là 57.209 ha.

Đến nay, tỉnh đã thu hồi 189 dự án (28.218 ha), trong đó thu hồi toàn bộ 157 dự án (25.324 ha) vì nhiều lý do khác nhau.

Trong số các dự án bị thu hồi có đến 84 dự án để rừng bị phá mà không kịp thời phát hiện ngăn chặn, với tổng diện tích 1.157 ha.

Tổng số tiền mà UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Tài chính phê duyệt để yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng vào ngân sách Nhà nước là trên 219 tỷ đồng. Cũng theo ông Tuyên, hầu hết các doanh nghiệp đều chậm hoặc chây ì việc trả bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng. Đến nay, trong số hơn 219 tỷ đồng mới chỉ thu được khoảng 10%.

Theo đài phát thanh, truyền hình của tỉnh, tính đến cuối năm 2017, Lâm Đồng có 418.500 ha đất có rừng, trong đó hơn 395.000 ha (94%) được tỉnh cho giao khoán bảo vệ.

Tuy nhiên, nhiều dự án trồng rừng được lập ra nhưng sau đó bị doanh nghiệp phá rừng, bán đất. Tại huyện Bảo Lâm, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Gia Linh phá 279,99ha đất rừng được giao tại tiểu khu 613 (Lộc Phú), Công ty TNHH An Phú Nông phá rừng lấy gỗ, trồng cà phê và bán đất trên diện tích 140,4 ha dự án được giao tại tiểu khu 443 (Lộc Phú), Công ty cổ phần Nam Nam trong 8 năm (từ 2009) mới chỉ trồng được 6,6 ha thông, còn diện tích rừng bị phá tính đến hết tháng 9/2015 là 56,12 ha…

Nguyễn Quân

Xem thêm: