Với đề án thu phí vào nội thành Hà Nội, đơn vị tư vấn đề xuất mức phí dự kiến ngày thường với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ô tô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

un tac ha noi 1
Muốn ‘giảm ùn tắc’, Hà Nội đề xuất lập ‘87 trạm thu phí’ xe vào nội thành. (Ảnh: Lê Hoàng)

Khoảng 2.600 tỷ đồng xây 87 trạm thu phí

Sở GTVT Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn là Trung tâm tư vấn phát triển GTVT (Trường Đại học GTVT) vừa xây dựng xong đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Theo phương án của đơn vị tư vấn, các vị trí lập trạm thu phí hầu hết ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín.

Phía tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành.

Tư vấn cũng đề xuất khung giờ thu phí hàng ngày từ 5h00 – 21h00, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm sáng từ 6h00 – 9h00, chiều từ 16h00 – 19h30.

Tổng mức đầu tư cho 87 trạm thu phí, tại 68 vị trí khoảng 2.600 tỷ đồng, chưa tính chi phí vận hành khai thác.

Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố đầu tư và hình thức đối tác công tư. Công nghệ thu phí được dự kiến là công nghệ thu phí không dừng, kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID.

Về các giai đoạn lập trạm thu phí, tư vấn đưa ra 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2021 – 2025) sẽ thí điểm, xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, khoảng 456,27 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (từ năm 2025 – 2030) đầu tư xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng, khoảng 1.794 tỷ đồng.

Giai đoạn 3 (giai đoạn hoàn chỉnh, sau năm 2030) đầu tư xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí để khép kín hoàn toàn vành đai thu phí, khoảng 395,43 tỷ đồng.

Dự án Cát Linh – Hà Đông ‘ì ạch bàn giao’, Bộ Tài chính phải ứng tiền trả nợ vay

Dự kiến, mức phí tối đa là 60.000 đồng/lượt

Đơn vị tư vấn đề xuất xem xét mức thu phí linh hoạt thay đổi theo các khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho tất cả các phương tiện.

Mức phí do đơn vị tư vấn đề xuất cụ thể như sau:

Ngày thường (ngày làm việc trong tuần): Đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, mức phí từ 25.000 đồng – 60.000 đồng/lượt.

Đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, mức thu đề xuất từ 15.000 đồng – 40.000 đồng/lượt.

Các ngày cuối tuần và ngày lễ: không thu phí, vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn vào các ngày làm việc.

Các phương tiện giảm phí là xe ô tô kinh doanh vận tải, gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại; xe ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực; xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực (sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường).

Các phương tiện miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội…), xe công vụ và xe buýt công cộng.

Đề án sẽ lấy ý kiến cấp thẩm quyền, đơn vị, tổ chức liên quan và trình HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.

Phó Thủ tướng Việt Nam ‘chốt’ vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước ngày 10/11

Chuyên gia: “Việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô là không phù hợp”

Theo đề án, khi chính thức thu phí thì lưu lượng giao thông trên các trục chính giảm từ 8 – 30%, trung bình khoảng 12 – 18%.

Ngoài ra, thu phí xe ô tô vào nội đô sẽ thay đổi hành vi sử dụng phương tiện giao thông và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển đổi từ xe ô tô sang các phương tiện thân thiện hơn như vận tải hành khách công cộng, xe đạp; giảm được các chuyến đi không cần thiết bằng xe ô tô con vào khu vực trung tâm thành phố.

Việc thu phí dự kiến sẽ giảm được khoảng 356.600 tấn CO2/năm tại Hà Nội. Hơn nữa, thu phí góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại của người dân và tăng hiệu quả khai thác các phương thức vận tải khách công cộng.

Việc thay đổi hành vi tham gia giao thông theo hướng tích cực, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng hình ảnh thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển đô thị bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chỉ khi giao thông công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại thì mới có thể thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, bởi nếu không người dân sẽ không biết đi bằng phương tiện gì.

Hiện giao thông công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 20%. Trong khi để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô thì ít nhất giao thông công cộng phải đảm bảo đạt mức 40-50% nhu cầu đi lại của người dân.

“Trong điều kiện đường sắt đô thị mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội đang thi công chưa thể đưa vào vận hành, khai thác thì việc thực hiện thu phí phương tiện nội đô dự kiến năm 2025 của Hà Nội thực sự khó khả thi”, ông Thanh nói.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, phương tiện cá nhân là thành phần không thể thiếu của giao thông đô thị, ở các nước phát triển phương tiện cá nhân chiếm 30-40%, trong khi tỷ lệ phương tiện cá nhân giảm đi phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của phương tiện vận tải công cộng.

Trong điều kiện Hà Nội và TP.HCM hiện nay, “việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô là không phù hợp”, ông Thủy nói.

Ông Thuỷ cho hay năng lực vận chuyển của xe buýt chỉ phục vụ phù hợp với thành phố từ 30-40 vạn dân, còn từ 1 triệu dân trở lên phải có đường sắt đô thị.

Hà Nội cũng như TP.HCM với dân số trên dưới 10 triệu dân, trong khi đường sắt đô thị mới chỉ xây dựng 1-2 tuyến, những tuyến này nếu sớm được đưa vào khai thác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng. Do vậy, việc Hà Nội đặt kế hoạch dự kiến cấm xe máy hoạt động nội thành, thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2025 là không hợp lý.

“Cách đây 4-5 năm Hà Nội đã bàn về vấn đề này rồi, nhưng dư luận và các chuyên gia không đồng tình. Bây giờ TP lại có chủ trương xây dựng 87 trạm thu phí ở các tuyến đường vành đai để thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là cách làm không phù hợp. Khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại trong nội đô thì không nên áp dụng các biện pháp kinh tế cũng như áp đặt hành chính để hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Thuỷ nói trên báo Vietnamnet.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, tính đến năm 2021, Hà Nội mới chỉ có hơn 120 tuyến buýt, một tuyến buýt nhanh BRT (Yên Nghĩa – Kim Mã) và hai tuyến đường sắt đô thị vẫn chưa đi vào khai thác.

“Theo đề án, chỉ vài năm nữa Hà Nội sẽ thu phí vào nội đô nhưng đến thời điểm hiện tại những ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng để kiểm soát được phương tiện cá nhân thì chúng tôi chưa thấy. Ví dụ đường ưu tiên cho xe buýt được đề xuất từ năm 2016 nhưng đến nay chưa được thành phố chấp thuận thực hiện”, ông Thông nói và cho rằng, nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì không cần cấm xe cá nhân, không cần thu phí vào nội đô.

Kim Long

Xem thêm:

Muốn ‘giảm ùn tắc’, Hà Nội đề xuất lập ‘87 trạm thu phí’ xe vào nội đô