9 sự kiện trong năm 2020

Việt Nam: 9 sự kiện – 9 dấu hỏi lớn trong năm 2020

Năm 2020, những dấu hỏi lớn trong lòng xã hội Việt tiếp tục bị khắc hằn lên đầy cảnh báo, từ sự nổi giận của tự nhiên trong những trận mưa đá gieo xuống trong đêm 30, nước dâng, lũ đất chôn sống hàng trăm người…, tới tiếng búa bàng quang của chủ tọa, lạnh lùng gieo tai ương xuống cuộc sống, tính mạng của hàng triệu con người… Một người tự tử tại sân tòa để đánh động lương tri, một người mòn mỏi với án tử lơ lửng trên đầu lại trở thành tượng đài vô danh trong lòng mỗi người mong cầu chính nghĩa.    

Dưới đây là 9 sự kiện, hay nói đúng hơn, 9 vấn đề đánh dấu những dấu hỏi lớn của hơn 90 triệu người với bộ máy cầm quyền. Đồng thời, suy xét lại những nhức nhối ấy cũng là một lần để mỗi người tự vấn thế giới nội tâm, rằng có phải bởi vì sự nhu nhược và thỏa hiệp chấp nhận của chúng ta, đã khiến rất nhiều bi kịch đáng lẽ không nên xảy ra được thành toàn… 

“Thiên tai dị thường”

“Thiên tai dị thường” là cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong năm 2020, với các loại hình đều trở nên khốc liệt theo vùng miền, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, bão (cuồng phong), dông lốc, lũ quét, sạt lở… Đặc biệt, mưa lớn bất thường nối tiếp 13 cơn bão kết hợp xả lũ thủy điện khiến người dân miền Trung phải trải qua 45 ngày liên tục ngập trong bão lũ, sạt lở kinh hoàng…

Đêm 30 và ngày mùng 1 tết Canh Tý 2020 (24-25/1 dương lịch), mưa đá, mưa lớn xuất hiện tại nhiều tỉnh miền Bắc như Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh. Hà Nội mưa rất lớn. Mưa đá tiếp tục rơi với mật độ dày các vùng tại Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Điện Biên vào tháng 3 sau đó.

Hạn mặn khốc liệt tại ĐBSCL đến sớm từ tháng 12/2019 kéo dài tới tháng 6/2020, vượt năm kỷ lục 2016, khiến hơn 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 42% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương với gần 1,7 triệu ha (cao gấp ba lần 2016); khoảng 41.900 ha lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại; 355 ha cây ăn trái mất trắng.

han man 2020
Trong lòng một con kênh ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đầu tháng 3/2020. (Ảnh: Lê Thế Thắng)

Hạn hán tại Tây Nguyên (từ tháng 3-6/2020) cũng trầm trọng. Song do sự quan tâm của dư luận bị hút vào dịch viêm phổi Vũ Hán, tình trạng khốc liệt của đợt hạn, mặn tại ĐBSCL và Tây Nguyên không được tường thuật tường tận như năm 2016.

Mưa bão lớn bất thường – sạt lở – hàng trăm người bị chết do lũ cuốn, đất chôn vùi là thảm trạng tiếp nối. Bắt đầu từ ngày 6/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên mưa to đột biến. Lượng mưa được nhận định là “lớn khủng khiếp” (TS Nguyễn Ngọc Huy) với lượng đo tại A Lưới, Huế là 410mm trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào Phú Yên đều có lượng mưa lớn từ 250-400mm/ngày.

Mưa lớn kéo dài suốt ngày đêm, tới ngày 9/10, các thủy điện lần lượt và đồng loạt xả lũ. Từ khoảng giữa tháng 10, mưa lớn mở rộng ra khu vực Tây Nguyên. Nhiều nơi bị cô lập nguy hiểm; nơi còn tín hiệu internet, rất rất nhiều người gửi lời kêu cứu mạng xã hội, do nước dâng, do đói và rét.

Song song hai đợt mưa cực đoan lịch sử kéo dài liên tục từ ngày 6-22/10, 8 trận bão (từ bão số 6 đến bão số 13) nối tiếp đổ vào miền Trung kể từ đầu tháng 10 tới đầu tháng 11, trong đó bão số 9 và bão số 13 ở mức cuồng phong cấp 2 và cấp 3 khi vào Biển Đông.

Trong cả năm (tính đến ngày 21/12/2020), 357 người chết, mất tích và 876 người bị thương trong thiên tai; riêng trong mưa lũ miền Trung và Tây Nguyên từ giữa tháng 9 đến ngày 1/12, 256 người chết, mất tích, 707 người bị thương.

Ít nhất 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam bị ngập lụt kéo dài 15 ngày, cao điểm vào ngày 12/10 với trên 317.000 hộ, 1,2 triệu người bị ảnh hưởng; hàng vạn người trắng tay. Nhà nước công bố ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng.

Bác kháng nghị điều tra lại vụ Hồ Duy Hải

Hội đồng thẩm phán 17 người, trong đó có Chánh TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa, đã bác kháng nghị điều tra lại vụ Hồ Duy Hải, kết thúc phiên giám đốc thẩm ngày 8/5/2020. Trong hai ngày tranh luận, đại diện VKSND tối cao nhận định tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích của vụ án.

me ho duy hai
Mẹ của Hồ Duy Hải – bà Nguyễn Thị Loan sau khi có phán quyết bác kháng nghị, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải tại phiên tòa giám đốc thẩm, ngày 8/5. (Ảnh: Lê Hoàng/Báo sạch/Facebook)

VKSND tối cao chỉ rõ cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như khám nghiệm hiện trường không thu vật chứng vụ án; Khám nghiệm tử thi nhưng không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân; Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung sửa chữa nhưng không có chữ ký người xác nhận; Không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án; không trưng cầu giám định vết máu, thu vết máu chậm dẫn đến không rõ máu đó của ai, v.v…

VKSND tối cao nhấn mạnh rằng kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan mà chỉ đề nghị hủy bản án để điều tra lại nhằm làm rõ vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng.

Kết quả phán quyết công khai (giơ tay): 17/17 thẩm phán bác kháng nghị điều tra lại, y án tử hình, làm dậy lên làn sóng bất bình từ ngay chính những người từng giữ các vị trí trong ngành tòa án, chưa kể giới luật sư, nhà báo… Hội đồng thẩm phán còn cho rằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao là trái pháp luật. Kết luận tại phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải được tái khẳng định, giữa nghị trường Quốc hội ngày 15/6, với một trong những lời giải trình gây tranh cãi của Chánh TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Người ta sơ suất nên vứt con dao ấy đi”.

Xét xử vụ Đồng Tâm

Tính theo sự kiện, vụ án Đồng Tâm khởi phát sau vụ vây ráp của lực lượng chức năng được ước tính là hàng nghìn cảnh sát trang bị vũ khí vào khu dân cư thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1/2020 (ngày 15 tháng Chạp, giáp Tết Nguyên đán). Sau vụ đột kích, 3 công an (độ tuổi từ 27-48) tử vong. Về phía người dân, ông Lê Đình Kình (84 tuổi) tử vong, ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) may mắn thoát chết do đạn sượt, không trúng tim.

xet xu vu dong tam
2 án tử hình, 1 án chung thân cùng hàng chục án tù giam trong vụ án Đồng Tâm, hình ảnh 29 bị cáo tại phiên xét xử chiều 7/9/2020. (Ảnh chụp màn hình/VTC Now)

29 người dân bị bắt, đa phần là nông dân, với các cáo buộc “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Tại phiên tòa sơ thẩm kéo dài 6 ngày, từ ngày 9-14/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức – 2 con trai của ông Lê Đình Kình; Lê Đình Doanh – cháu nội ông Kình bị tuyên mức án chung thân, cùng tội “Giết người”.

Ba người khác bị khép cùng tội danh, nhận mức án từ 12-16 năm tù, trong đó ông Hiểu, hiện 77 tuổi, nhận mức cao nhất 16 năm tù giam.

23 người bị khép tội “Chống người thi hành công vụ”, trong đó 13 người nhận án treo, từ 15 tháng-3 năm; 10 người nhận án tù giam, từ 3-6 năm.

Một ngày sau, The Diplomat ngày 15/9/2020 đưa tin về phán quyết, đồng thời dẫn lời của nhà nghiên cứu chính trị Carl Thayer (ĐH New South Wales, Australia) mô tả cuộc đột kích Đồng Tâm và kết quả xét xử là “đỉnh điểm của 40 năm vấn đề” về phân phối đất đai.

Ngày 18/9, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ra thông cáo liên quan đến phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm, trong đó cho biết: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này”.

Trong một tranh chấp đất đai kéo dài trở thành án hình sự, việc sử dụng bạo lực đối với dân thường, tổn thất về nhân mạng trong đêm 9/1 và theo phán quyết 14/9 làm dấy nên nhiều phản biện trong công luận, từ dân thường tới giới trí thức trong và ngoài nước.

Dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19)

Được công bố khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) kể từ tháng 12/2019, dịch viêm phổi Vũ Hán trở thành đại dịch toàn cầu trong năm 2020, vẫn tiếp diễn tới hiện tại. Theo thống kê tại worldometers.info, tính đến ngày 24/12/2020, hơn 79 triệu người đã nhiễm bệnh trên toàn cầu, hơn 55,6 triệu người tử vong do virus Vũ Hán.

covid bach mai
Bệnh viện Bạch Mai với hơn 800 bệnh nhân nặng và hơn 2000 nhân viên bị phong tỏa từ ngày 28/3 đến 11/4 sau khi được xác định là ổ dịch với nhiều ca nhiễm virus Vũ Hán, Hà Nội, ngày 31/3/2020. (Ảnh: J.N/Trí thức VN)

Tại Việt Nam, theo công bố của Bộ Y tế, tính đến ngày 24/12/2020, dịch bệnh bùng phát 4 lần với tổng 1.421 ca nhiễm, 35 người tử vong. Tỷ lệ tử vong do dịch bệnh được đánh giá là thấp so với tình hình chung trên thế giới, song, kinh tế không được coi là khả quan do việc bị ràng buộc mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. 

Thiệt hại trực tiếp khoảng 17.900 tỷ đồng từ ngân sách, Bộ Tài chính công bố chi cho phòng ngừa, chữa trị và hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh. Chưa có công bố đánh giá thiệt hại tổng quan đối với nền kinh tế; riêng ngành du lịch công bố ước thiệt hại 23 tỷ USD. Báo cáo về tình trạng việc làm dừng lại ở con số trong 9 tháng đầu năm, với 1,2 triệu người thất nghiệp trong tổng số 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng (mất việc, phải giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập).

Các bệnh nhân 17, bệnh nhân 21, bệnh nhân 91 (phi công người Anh), bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên hàng không) nhận nhiều ý kiến chỉ trích khi được xác định là các ca F0 gây lây nhiễm trong cộng đồng. TP.HCM đã khởi tố vụ án nam tiếp viên hàng không làm lây dịch COVID-19 trong khi vụ nâng khống giá hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 tại (từ 2,3 tỷ đồng lên gấp 3 lần, 7 tỷ đồng) đã đưa ra xét xử; giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị tuyên án 10 năm tù. 

“Đất rã”

Cuộc gọi điện kêu cứu cho thủy điện Rào Trăng 3 mở đầu cho chuỗi sự kiện sạt lở kinh hoàng. Ngọn núi nằm cạnh thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế đổ sạt môt nửa, san phẳng nhà điều hành, 17 công nhân bị vùi lấp tới nay mới tìm thấy 6 thi thể. Đoàn 21 người đi khảo sát tìm phương án cứu trợ cũng bị núi lở vùi trong đêm, 13 người tử vong.

tra leng 0
Lũ đất, trong tích tắc chôn sống hàng trăm mạng người. (Ảnh: dẫn qua Nguyễn Bình Nam/Facebook)

Tiếp đến, nửa quả đồi chảy sạt, 22 người thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 Quảng Trị bị đất đá vùi. Tại Quảng Nam, các ngọn núi ở Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc nối tiếp đổ sập, xóa sổ cả gia đình, làng bản, 25 người chết, 15 người mất tích.

Số người bị vùi chết, mất tích trong năm chiếm cao nhất, lên tới 132 nạn nhân. Tiếp đến mới đến số nạn nhân do lũ (108 người), lốc sét, mưa đá (54 người), bão (25 người), và loại hình thiên tai khác (38 người). Đó mới tính trong 357 người chết, mất tích trong năm, chưa kể con số 876 người bị thương.

tra leng
Ngôi làng ở thôn 1 (xã Trà Leng, Quảng Trị) bị xóa sổ sau trận sạt lở đêm 28/10, vùi lấp 22 người, 9 thi thể đã được tìm thấy, còn 13 người mất tích. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi. (Ảnh: Le Cong Duc/Facebook)

Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam, cũng không phải câu trả lời duy nhất đối với tình trạng “đất rã”. Tại nghị trường Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên hiện có, “chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo”. 

Nhưng ông Cường đã bỏ qua không nhắc đến thống kê do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đưa ra hồi đầu năm, rằng chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012-2017, chỉ 11% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái pháp luật, 89% là do dự án được ký duyệt.

Ông Cường cũng bất nhất khi vừa nói “chúng ta phải có trách nhiệm” về thảm trạng rừng nghèo, vừa thúc đẩy Quốc hội thông qua hai dự án:  Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) và Dự án hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận) với tổng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng xấp xỉ 1.563 ha bao gồm rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Do đó, nạn “đất rã” với hàng trăm mạng người vô tội mở ra nhiều vấn đề để công chúng suy ngẫm sâu hơn, không chỉ ở vài chục đập thủy điện hay gần 1 triệu ha “rừng” cao su mà còn về bộ máy cầm quyền.

cay go quang binh 1
Xác cây phủ kín dòng sông Nhật Lệ, Quảng Bình sau mưa lũ, ngày 10/10/2020. (Ảnh: Loner Nguyen/Shutterstock)

Bị cáo tự tử tại tòa

Sáng ngày 29/5, ông Lương Hữu Phước nghe TAND tỉnh Bình Phước tuyên án y án 3 năm tù giam sau 3 năm kháng cáo, chiều cùng ngày, ông Phước trở lại trụ sở tòa, uống thuốc sâu và nhảy từ lầu 2 xuống đất, tử vong.

Trước đó, dòng cuối cùng ông Phước viết trên trang Facebook cá nhân: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ!”.

luonghuuphuoc5 1
Ông Lương Hữu Phước ngồi trước thềm trụ sở tòa, đợi tòa tuyên án vào sáng 29/5/2020. (Ảnh: LS Dương Vĩnh Tuyến)

Sự kiện này xảy liền sau phán quyết về vụ Hồ Duy Hải, tái lặp lại những tranh cãi về công lý, đạo đức, lòng tin… Dư luận nhanh chóng chia rẽ với những người chỉ trích cái chết là vô nghĩa, phần khác, trong đó có nhiều luật sư thì cảm thương và hy vọng qua việc dư luận được đánh động, vụ án sẽ được mở lại, dù cùng bi quan về khả năng “thức tỉnh của nền tư pháp”.

Luật sư Lê Văn Luân, sau khi hay tin ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tại tòa tự sát với mong muốn cái chết của ông có thể thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước, đã viết trên Facebook rằng nền tư pháp chỉ thức tỉnh “khi nào thẩm phán được độc lập thật sự, họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hy vọng”. 

Ngày 12/6, TAND cao cấp tại TP.HCM ra quyết định giám đốc thẩm vụ án, nêu 5 vấn đề cần phải điều tra làm rõ, và kiến nghị VKSND cao cấp tại TP.HCM giao hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra cấp tỉnh để điều tra lại.

Tuy nhiên, sau đó, hồ sơ lại được giao cho cơ quan điều tra cấp huyện (thành phố thuộc thuộc tỉnh), là Cơ quan điều tra – Công an TP Đồng Xoài thực hiện. Chưa đầy hai tuần sau buổi thực nghiệm điều tra, Công an TP Đồng Xoài thông báo đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lương Hữu Phước với lý do “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”.

Luật sư Ngô Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay “Quyết định đình chỉ điều tra vụ án do “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” đã mặc nhiên thừa nhận ông Phước là người có tội nhưng vì ông chết rồi nên ông không bị xử lý mà thôi.”

Đại biểu Quốc hội quốc tịch Síp

Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) ngày 24/8 công bố một bài điều tra về chính sách “mua bán hộ chiếu châu Âu” của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến 2019, cho phép bất cứ ai sở hữu hộ chiếu quốc gia này, đổi lại là khoản đầu tư bất động sản tối thiểu 2 triệu Euro (tương đương 2,5 triệu USD, hoặc 57 tỷ đồng).

Trong những cái tên được tiết lộ, có ông Phạm Phú Quốc – Tổng giám đốc công ty Tân Thuận IPC, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021. Hồ sơ nhập quốc tịch Síp của ông Phạm Phú Quốc được chấp thuận vào tháng 12/2018, vợ của ông Quốc cũng đã được nhập quốc tịch nước này.

Chiều 25/8, ông Quốc thừa nhận: “Tôi có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018”, song phủ định việc mua hộ chiếu mà nói do gia đình bảo lãnh.

pham phu quoc tp ho chi minh
Ông Phạm Phú Quốc tại nghị trường Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo luật của Việt Nam, ĐBQH chỉ được mang một quốc tịch Việt Nam. Một ĐBQH xác nhận các công chức phải khai lý lịch hàng năm, không chỉ thông tin cá nhân mà còn bao gồm cả lý lịch, tình trạng cá nhân của thân nhân trong gia đình. Do đó, việc Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói không có báo cáo nào của ông Quốc về việc sở hữu 2 quốc tịch, và chỉ biết tin qua báo chí và mạng xã hội là vô lý.

Sau khi bị phát giác, ngay trong ngày 25/8, ông Quốc đã gửi đơn xin thôi làm ĐBQH, cũng xin thôi làm Tổng giám đốc IPC.

Tại cuộc họp báo ngày 1/9, ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nói không đủ thông tin để đánh giá về tài sản của đại biểu Quốc và “nên tôn trọng lời đại biểu Quốc là do gia đình bảo lãnh”.

Ngoài ông Quốc và vợ, danh sách “mua hộ chiếu” còn có tên ông Phạm Nhật Vũ, em trai ông Phạm Nhật Vượng, và là cựu Chủ tịch công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), hiện đang thụ án tù 3 năm vì tội đưa hối lộ.

Hồ sơ nhập quốc tịch Síp của ông Vũ được chấp thuận vào tháng 5/2019, khoảng 6 tháng trước khi ông này bị kết án vì tội tham nhũng. Vợ của ông Vũ cũng đã được nhập quốc tịch Síp.

SGK lớp 1 chương trình mới: Cả 5 bộ đều “nguy hại”

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 chương trình mới do 3 nhà xuất bản biên soạn, đưa vào dạy và học. Chưa đầy một tháng sau khai giảng, SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều của NXB Đại học Sư Phạm TP.HCM bị dư luận chỉ trích dữ dội vì ngôn từ không phù hợp, nội dung không có tính giáo dục, thậm chí, phản giáo dục khi các câu chuyện khơi gợi sự lừa lọc, mưu mẹo, dối trá…

Nhiều câu chuyện được viết kiểu phóng tác khác xa ý nghĩa của bài thơ/truyện ngụ ngôn nguyên gốc của tác giả nước ngoài. Điều này làm dấy lên nghi vấn tác quyền bị xâm phạm nghiêm trọng.

ve va ga
Một trong những chuyện bị cải biên trong SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều. (Ảnh dẫn từ Facebook)

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận bức xúc và giận dữ khi nhắc về các bộ SGK lớp 1, bởi theo bà, khâu biên soạn SGK thì theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia; làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng đạt được của người lớn nhiều toan tính; một quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin; cách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đấu bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố cũng thật là khó hiểu…

“Nếu chấp nhận các bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá để tiếp tục vận hành, thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại”, bà Hiền nói.

ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) yêu cầu phải làm rõ những sai sót trong tất cả các cuốn sách giáo khoa mới; có phương án chỉnh sửa cụ thể; xác định rõ trách nhiệm của nhóm biên soạn, nhà xuất bản, hội đồng thẩm định…

Các phản hồi của Bộ trưởng Nhạ đều lặp lại câu trả lời: “Bộ đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản lắng nghe, tiếp thu, hiện đang chỉnh sửa cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi lớp 1”, không đề cập tới trách nhiệm của Bộ trưởng, người ký duyệt nội dung.

Hai tháng sau vụ sách Cánh Diều, thêm 4 bộ sách còn lại của NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn cùng được NXB này thừa nhận có nhiều lỗi về ngữ liệu, từ ngữ, nhưng xin được sửa trong năm học sau (!). Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), SGK Tiếng Việt của cả 4 bộ sách không chỉ bất cập về nội dung, mà đều có rất nhiều truyện, bài tập đọc, kể chuyện được chuyển thể, phóng tác từ các tác phẩm, truyện ngụ ngôn nhưng không ghi tên tác giả hay nguồn gốc tác phẩm.

Xã hội hóa biên soạn để chống độc quyền SGK hay tạo ra một vùng xã hội hóa trong vòng kiểm soát, với thực tế mức giá SGK tăng cao gấp đôi trong khi chất lượng rơi vào khủng hoảng? Rối loạn là cách để hình dung về tình trạng này.

“Đường biên mở”

Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là một chủ đề được lặp đi lặp lại tại nhiều bản tin, đặc biệt sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát lần 2, tại Đà Nẵng.

Trong một thông tin ngắn ngủi do Thứ trưởng Bộ Công An, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn công bố hôm 21/12, trong hơn 900 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị xử lý, phần lớn trong đó là người Trung Quốc.

21 nguoi trung quoc bi bat giu
21 người Trung Quốc trốn truy nã, sang Lào Cai, Việt Nam tiếp tục mở sòng đánh bạc trên mạng. (Ảnh: blc.baolaocai.vn)

Trái với cảnh nhiều lao động Việt Nam vượt biên lao động rồi trở về bị bắt ngay tại đường biên giới, hàng trăm trường hợp người Trung Quốc bị bắt khi đã đi sâu vào Việt Nam, với người môi giới và người dẫn đường, cho lưu trú trong đường dây móc nối người Trung – người Việt. Cuối tháng 11, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa truy tố 5 người, trong đó có 4 người Việt, 1 người Trung Quốc trong đường dây làm giả giấy tờ, “biến” người Trung Quốc thành người Việt Nam.

Trước khi bị phát hiện, nhóm người này đã “biến” Song Jiahao thành “Nguyễn Khang Tinh”, hộ khẩu tại Nha Trang với giá 200 triệu đồng. Sau khi có CMND và sổ hộ khẩu quốc tịch Việt Nam, Song Jiahao đã mở ba tài khoản tại ba ngân hàng tại Agribank Khánh Hòa, Vietcombank Khánh Hòa, đăng ký mua ô tô và dự định mua bất động sản tại Nha Trang.

Hàng loạt vụ người Trung Quốc sang Việt Nam trốn nã, hoặc sang Việt Nam để cướp để lấy tiền vượt biên, kết quả bị tử hình vì giết người… Đường biên không an toàn là cách dễ hình dung nhất về một Việt Nam sát biên giới Trung Quốc hôm nay.

***

9 nan đề trên chỉ là những lựa chọn chủ quan, rằng chúng đại biểu cho những vấn đề lớn gây ảnh hưởng đến số đông cộng đồng. Chúng như mặt trái lớn của một cộng đồng rộng lớn. Do đó, vẫn cần ghi nhớ những dấu ấn hy vọng đã được gây dựng trong năm 2020, như ca mổ tách rời thành công cặp song sinh dính liền Trúc Nhi – Diệu Nhi ngày 15/7 với sự nỗ lực và cầu nguyện của 100 y bác sĩ; nỗ lực của ngành y và các bên liên quan trong kiểm soát dịch và chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán, với con số 35 ca tử vong/1281 ca bình phục (113 ca đang điều trị) tính đến thời điểm hiện tại; hay, những nỗ lực của những ngư dân, nông dân vô danh, những cán bộ thôn, xã… dốc lòng trợ giúp mọi người chạy lũ, cứu đói, cứu nguy…; tấm lòng thiện nguyện, sự san sẻ, trợ giúp cho người miền Trung của người dân cả nước, chưa kể công, chỉ tính vật vẫn có thể lượng hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Những sự kiện ấy, dù vẫn chưa đủ để khỏa lấp cho việc người bất đồng chính kiến bị bắt giam, kết án ngày một nhiều, những đại án tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng vẫn gia tăng, những án oan hay bạo lực xã hội chưa hề thuyên giảm, thì ít nhất sức mạnh của lòng tốt, sự chân thành chứa đựng trong đó khiến cho mỗi người được nuôi dưỡng hy vọng vào sự chuyển biến sẽ xảy đến tự trong lòng xã hội, của một xã hội dân sự đến một lúc có thể nhận ra đã cần phải đổi thay.

Lê Trai

Ảnh bìa lớn: Người dân Quảng Bình trở về nhà sau bão, lũ. Một góc căn nhà nát vụn. (Ảnh: Dương Phong/Facebook)

Bình Luận