Số dư đầu tư quỹ luỹ kế đến cuối năm 2017 là gần 610.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2012, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.

Ông Đào Việt ÁnhPhó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, mới đây cho biết hiện 90% tiền của BHXH Việt Nam được đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Ông Ánh cho hay cơ quan này đã đầu tư theo quy định của Chính phủ, tức “nguyên tắc chỉ đầu tư tiền nhàn rỗi”. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư, cơ quan giữ quỹ đã cân nhắc các vấn đề liên quan đến thị trường, thanh khoản và đặc biệt là an toàn.

Theo ông Ánh, kể từ khi BHXH Việt Nam tham gia đầu tư, kỳ hạn trái phiếu chính phủ đã tăng lên rất nhiều. Thời gian trước, kỳ hạn trái phiếu chính phủ chỉ 10 năm, nay đã có trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Thời hạn bình quân của trái phiếu tăng lên giúp giảm áp lực trả nợ theo từng năm của ngân sách nhà nước.

Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay khi BHXH Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chính phủ, vừa đảm bảo hiệu quả an toàn cho Quỹ, vừa tăng huy động vốn cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nợ công và bội chi.

Theo tài liệu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 diễn ra vào tháng 6/2018, các hình thức đầu tư chủ yếu của Quỹ BHXH là mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số dư đầu tư quỹ luỹ kế đến cuối năm 2017 là gần 610.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2012 (gần 234.000 tỷ đồng). Lợi nhuận đầu tư trong giai đoạn 2013-2017 là gần 150.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, lãi đầu tư là 37.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2012 (gần 19.000 tỷ đồng). Tỷ lệ tiền lãi thu được tính trên số dư nợ đầu tư bình quân đạt 7,23%, trong đó lãi suất đầu tư bình quân năm 2017 là 7,25%.

Cũng theo báo cáo này, đầu tư quỹ BHXH chưa đa dạng là hạn chế của đầu tư quỹ BHXH hiện nay. Việc đầu tư chủ yếu thông qua mua trái phiếu chính phủ (thời hạn đầu tư dài) và gửi tiền ngắn hạn tại ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, chưa đa dạng các hình thức đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn nên chưa tận dụng được khả năng sinh lời của quỹ.

Trong khi đó, nhiều khoản nợ đọng từ đầu tư quỹ BHXH vẫn chưa thu hồi được. Theo báo cáo, đến ngày 31/12/2015, BHXH Việt Nam chưa thu hồi được nợ gốc và lãi của công ty cho thuê tài chính II (ALC II) quá hạn từ năm 2011 (gốc 769,3 tỷ đồng, lãi 735,5 tỷ đồng) (hiện tòa đã tuyên ALC II phá sản), chưa thu hồi lãi của công ty cho thuê tài chính (ALC I) (26,2 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số hạn chế khác như bội chi quỹ BHYT có xu hướng tăng; nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều địa phương, thuộc các thành phần kinh tế; tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, BHYT vẫn diễn ra thường xuyên với số tiền lớn.

Thực tế, việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đầu tư tới 90% vào trái phiếu chính phủ khiến lợi tức mang lại rất thấp, khi lãi suất từ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 4,3%-4,37%/năm (lãi suất trái phiếu chính phủ trúng thầu vào tháng 6/2018), thấp hơn nhiều so với lợi nhuận trung bình của quỹ bảo hiểm xã hội đạt được trong 10 năm gần đây, là hơn 7%.

Nguyễn Quân

Xem thêm: