Theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện không những gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân, mà nguồn quỹ trả lương cho nhân viên cũng đã cạn kiệt.

benh vien ung buou
TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết hiện Bệnh viện có 1.596 nhân sự (432 bác sĩ và 640 điều dưỡng) và có 2 cơ sở (cơ sở cũ tại quận Bình Thạnh và cơ sở 2 tại TP. Thủ Đức). (Ảnh: moh.gov.vn)

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là đơn vị chuyên khoa hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tuyến cuối trong khám chữa bệnh về ung thư của thành phố và khu vực phía Nam.

Trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm 6/10 về cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết hiện Bệnh viện có 1.596 nhân sự (432 bác sĩ và 640 điều dưỡng) và có 2 cơ sở (cơ sở cũ tại quận Bình Thạnh và cơ sở 2 tại TP. Thủ Đức).

Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hơn 3.700 lượt khám chữa bệnh, tăng gần 2% so với trước dịch COVID-19. Số lượng bệnh nhân nhập viện, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị cũng tăng nhẹ.

Thời gian qua, Bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện thường xuyên không có các nguồn cung thuốc hiếm trị ung thư như Vinblastin, Dactionmycin…

Để thích ứng, đơn vị phải chuyển phác đồ khác thay thế cho người bệnh; tổ chức đấu thầu một số thuốc nhưng không có doanh nghiệp dược tham dự hoặc có thì thiếu tiêu chuẩn.

Theo ông Dũng, trong 9 tháng đầu năm, Bệnh viện không đủ tiền chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Thu nhập bình quân hiện nay khoảng 8,8 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản và thu nhập tăng thêm), nhờ vào việc dùng tiền của những năm trước tích lũy để chi cho 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, nguồn quỹ này đã hết. “Bệnh viện sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu không có sự hỗ trợ của thành phố”, ông Dũng cho hay.

Năm 2021, nguồn thu giảm sâu do COVID-19, Bệnh viện thâm hụt 91 tỷ đồng, được chính sách hỗ trợ liên quan ảnh hưởng dịch bệnh cấp bù chỉ 19 tỷ. Do đó, Bệnh viện kiến nghị cấp bù đủ 91 tỷ đồng, để chi lương, thưởng cho nhân viên và trang trải các hoạt động.

Cũng trong năm 2021, Bệnh viện chưa được quyết toán 38 tỷ đồng do vượt tổng mức thanh toán trong năm theo Nghị định 146.

Thêm vào đó, tại cơ sở 2, Bệnh viện cần khoảng 158 tỷ đồng để bảo trì máy móc. Trong đó, hệ thống kỹ thuật 35 tỷ đồng và trang thiết bị y tế là 123 tỷ đồng. “Mong thành phố giúp cho khoản này, nếu không sẽ không đủ tiền trả lương cho y bác sĩ”, bà Đoàn Ngọc Châu, Trưởng Phòng Tài chính Bệnh viện, nói.

Trong khi nhiều Bệnh viện đối mặt với làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc sau đại dịch COVID-19, tại Bệnh viện Ung bướu tình hình nhân sự tương đối ổn định, số nghỉ việc không đột biến. Trong 3 năm có 195 người nghỉ việc, trong đó bác sĩ chiếm 17%, bù lại tuyển được 509 nhân sự cho hoạt động của cơ sở 2 ở Thủ Đức.

Tuần trước, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện Lê Văn Thịnh, Chợ Rẫy, Quận 11. Lãnh đạo các bệnh viện cho biết gặp nhiều khó khăn khi hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính như thiếu kinh phí, càng làm càng thâm hụt…

Theo kế hoạch, ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ làm việc với Sở Y tế về vấn đề tự chủ tài chính và mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Minh Long