Công trình nhà hát tỉnh An Giang với diện tích trên 16.300m2, tổng kinh phí 215 tỷ đồng, xây tại TP. Long Xuyên.

An Giang, xây nhà hát
Phối cảnh công trình nhà hát An Giang. (Ảnh: laodong.vn)

Truyền thông nhà nước hôm 22/9 lan truyền thông tin, An Giang làm lễ khởi công xây Nhà hát tỉnh.

Công trình này được cho là để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Công trình tọa lạc trên diện tích đất 16.300m2 tại phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên), với tổng vốn là 215 tỷ đồng từ tiền thuế của dân.

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Liên danh công ty TNHH Xây dựng Phát triển Miền Nam (tỉnh An Giang) và công ty TNHH Phương Ngọc (Hà Nội) là đơn vị thi công.

Công trình bao gồm Khối chính (khối nhà hát), có diện tích sàn xây dựng 10.385m2; Công trình cao 4 tầng gồm: bán hầm, 1 trệt và 2 lầu; Khối trụ sở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang có diện tích sàn xây dựng 2.187m2; nhà bảo vệ, khu xử lý nước thải, nhà đặt máy phát điện dự phòng, trạm điện, quảng trường, hồ nước,…

Báo chí quốc nội mô tả rằng, nhà hát tỉnh An Giang không chỉ là địa chỉ văn hóa hiện đại, một thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh, điểm vui chơi, giải trí… đặc biệt là nơi quảng bá, lưu giữ các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam… mà còn là Trung tâm triển lãm và tổ chức hội nghị, sự kiện quan trọng của tỉnh.

Thời gian qua, An Giang được dư luận chú ý với nhiều công trình hàng tỷ, hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, như:

  • Cổng chào TP. Long Xuyên gần 7 tỷ đồng;
  • Công trình Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, với tổng vốn 60 tỷ đồng, diện tích là 9.559m2.
  • Xây trụ sở công an tỉnh với tổng vốn 600 tỷ đồng, tổng diện tích 23.000m2,…

Theo Cổng thông tin điện tử An Giang hồi cuối tháng 5, thì “An Giang là tỉnh thuần nông, đang nhận sự hỗ trợ ngân sách của Trung ương nên nguồn lực đầu tư của tỉnh vào các chính sách không đủ lớn. Phần lớn lao động nghèo tại An Giang có trình độ học vấn thấp, không có tư liệu sản xuất, chưa có tay nghề… Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có 14.170 hộ nghèo, 29.414 hộ cận nghèo và 3.318 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số”.

Hơn nữa, An Giang hiện đang phải đối diện với tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Hồi tháng 5, An Giang phải ban bố tình huống khẩn cấp trên Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) vì sạt lở xuống sông Hậu.

Giới hữu trách đã phải chi 250 tỷ đồng làm 5km đường tránh qua điểm sạt lở trên quốc lộ 91; 160 tỷ đồng xử lý điểm sạt lở.

Mới đây, An Giang tiếp tục phải ban bố tình trạng khẩn cấp, vì rạch Cái Sắn đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá (phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên) sạt lở nghiêm trọng.

Chính quyền nhận định, thời gian tới, đoạn sạt lở sẽ diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng với chiều dài cảnh báo là 2.300 m từ vàm Sông Hậu đến hết ranh giới phường Mỹ Thạnh.

Đoạn sạt lở này được đánh giá là thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến khu vực chợ Cái Sắn, khu vực dân cư sinh sống tập trung.

Hoàng Minh