Lũ ống, lũ quét lịch sử tại hàng loạt các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Cạn khiến nhiều người chết và mất tích, sạt lở vùi lấp nghiêm trọng; Vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ và phản ứng ngoại giao của hai nước Đức – Việt; VRN kiến nghị Chính phủ dừng hẳn dự án lấp sông Đồng Nai; Thêm nhiều ngư dân cùng tàu cá Bình Định mất tích ở vùng biển Hoàng Sa; Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc xây rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm… là những tin tức nổi bật trong tuần qua (31/7 – 6/8).

trinh xuan thanh
Mù Cang Chải tang thương và vụ việc Trịnh Xuân Thanh là hai trong số các điểm nóng tin tức thời sự trong tuần qua. (Ảnh trái: baoyenbai.com.vn, ảnh phải: hình ảnh chụp màn hình, TTVN biên tập)

Lũ ống, lũ quét lịch sửtại hàng loạt các tỉnh miền núi nghèo Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Cạn khiến 18 người chết, 18 người mất tích, 12 người bị thương (ghi nhận từ ngày 1/8 đến 3/8).

Gần 230 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 206 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, 42 hộ phải sơ tán, di dời; gần 230ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp; hơn 13.000 m3 đất đá bị sạt lở trên các tuyến giao thông.

Tại huyện Mù Cang Chải – nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, đã có 15 người chết và mất tích. Riêng tại thị trấn Mù Cang Chải, hệ thống giao thông bị phá hủy, vùi lấp, trong đó đường giao thông tại tổ 8 bị hư hại với khối lượng khoảng hơn 30.000 m3 đất đá bị lũ cuốn tràn…

Các cá nhân, tổ chức xã hội tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm người mất tích, thực phẩm, quần áo, thông tuyến giao thông…

Trong vụ việc Trịnh Xuân ThanhNgoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết việc ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa ra khỏi nước Đức hôm 23/7 bằng biện pháp như trong các bộ phim về thời Chiến Tranh Lạnh là điều không thể chấp nhận được, đồng thời cho hay nước Đức đang cân nhắc tới các biện pháp trừng phạt Việt Nam.

Liên quan tới vụ việc, ông Gabriel cho biết nước này đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán của Việt Nam ở Đức rời Berlin vì tin rằng người này liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại công viên Tiergarten (Berlin) hôm 23/7.

Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức – ông Markus Ederer cho biết ngày 1/8, Đức đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức về vụ việc.

Ngày 3/8, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời báo chí về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã bày tỏ “lấy làm tiếc” trước phát biểu của Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, đồng thời dẫn nguồn tin truyền thông cho biết theo thông báo chính thức của Bộ Công an, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú, và hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành điều tra.

“Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Ngày 2/8, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) công bố văn bản đã gửi lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ và tỉnh Đồng Nai, kiến nghị dừng hẳn “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (ý kiến công luận gọi là dự án lấn sông Đồng Nai) do có nhiều hệ lụy về môi trường và chính sách nếu tiếp tục thực hiện dự án.

VRN nhận định việc lấn sông đã vi phạm Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013) và Luật Giao thông đường thủy nội địa (2014); các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của chủ đầu tư dự án sông Đồng Nai chưa đáp ứng được những thiếu sót về pháp lý nêu trên, chưa giải đáp được yêu cầu dòng chảy cần được duy trì một cách tự nhiên, cũng như là hệ sinh thái đặc thù riêng.

Trong khi đó, theo VRN, sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 3 tại Việt Nam, là con sông liên tỉnh chảy qua 10 tỉnh và TP.HCM, là nguồn sống quan trọng của toàn bộ khu vực này, song lại đang đối mặt với nguy cơ khô cạn và bị ô nhiễm nghiêm trọng.

VRN đề nghị Chính phủ và các các tỉnh dọc theo lưu vực sông Đồng Nai dừng hẳn việc thực hiện dự án trước những tác động đã diễn ra và những tác động tiềm tàng, cũng như lo ngại “việc cho phép tiếp tục dự án có thể tạo thành tiền lệ xấu cho các hoạt động lấn chiếm sông hồ khác“.

Thêm nhiều ngư dân cùng tàu cá Bình Định mất tích ở vùng biển Hoàng Sa. 4 ngư dân cùng tàu cá BĐ 95670TS của Bình Định tiếp tục được gửi đi thông báo đã chìm và mất tích trên vùng biển Hoàng Sa. Trước đó, cùng ngày 29/7, 5 ngư dân trên tàu cá BĐ 95613 TS của Bình Định đã được thông báo bị chìm tại khu vực này.

Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Quốc phòng đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã thông báo và đề nghị Trung Quốc chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ phương tiện tìm kiếm các ngư dân tàu BĐ 95670 TS bị nạn.

Tuy nhiên đến chiều ngày 2 và ngày 3/8, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định thông báo đã dừng tìm kiếm 9 ngư dân mất tích cùng 2 tàu cá  nói trên. Theo thông báo, các tàu hải quân của Việt Nam và tàu cá Bình Định đã quay về bờ sau gần 5 ngày tìm kiếm.

Ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay Việt Nam phản đối Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâmthuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Phú  Lâm (Yongxing Island – tên quốc tế: Woody Island) là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan cũng đòi chủ quyền với quần đảo này.

Ngày 23/7, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hơn 200 cư dân trên đảo Phú Lâm đã được xem bộ phim khai rạp đầu tiên được mở trên đảo này. Đây là một phần trong nỗ lực gọi là “làm phong phú thêm đời sống tinh thần” của binh lính và dân cư trên hòn đảo tranh chấp bị Trung Quốc chính thức chiếm đóng từ năm 1956.

Từ 1/8, hàng triệu người đối mặt với đợt tăng giá của 1.931 dịch vụ y tế, khi ngành y tế chuyển dần từ việc nhận ngân sách chi thường xuyên, mà thay bằng nguồn thu viện phí.

Trong đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế này, dự kiến mức viện phí trung bình sẽ điều chỉnh tăng khoảng 20 – 30%. Khoản tăng nhiều nhất là giá khám bệnh và giá tiền giường, cao gấp 2 – 4 lần so với giá cũ.

Đối tượng áp dụng là người không có BHYT (khoảng trên 20 triệu người) và người đã có thẻ BHYT nhưng có chi phí y tế không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Trước mắt, quy định tăng chi phí y tế sẽ được áp dụng tại 28 tỉnh thành và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc TP. Hà Nội và TP.HCM.

Tiền nhàn rỗi từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được đầu tư vào những đâu? Theo quyết định mới do Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa ký, tiền nhàn rỗi từ các quỹ BHXH, BHYT, BHTN vẫn do BHXH Việt Nam quản lý. So với quy định cũ, hình thức đầu tư tiền nhàn rỗi có một số thay đổi, ưu tiên, song tựu chung phần lớn vẫn là cho nhà nước vay qua nhiều hình thức. 

Quyết định mới cũng bổ sung quy định về Quỹ Dự phòng rủi ro (sử dụng để bù đắp cho số tiền đầu tư bị rủi ro được xử lý). Đáng chú ý, mức trích đưa vào quỹ hàng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư thực thu trong năm cho đến khi số dư của Quỹ dự phòng rủi ro bng 5% số dư nợ đầu tư vào các hình thức 3 và 4 (nêu trên) của năm trước liền kề. Trong thời gian chưa sử dụng được sử dụng, Quỹ dự phòng rủi ro được đầu tư vào việc mua trái phiếu Chính phủ và cho Ngân sách nhà nước vay. 

Tốn hơn 7,3 tỷ đồng để đốn hạ, di dời cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, theo phương án đốn hạ, di dời 258 cây xanh trên con đường này để bàn giao mặt bằng xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 – Sở GTVT TP.HCM vừa phê duyệt.

Theo thông báo, tổng diện tích khu vực có cây xanh bị di dời, đốn hạ vào khoảng 22.104 m2, sau đó sẽ trồng mới 373 cây xanh trên diện tích 26.081 m2.

Sở GTVT đã thông báo thời gian di dời 115 cây và đốn hạ 143 cây, dù trước đó, nhiều chuyên gia về quy hoạch và cây xanh đã đưa ra ý kiến vẫn có phương án khác để xây cầu mà không phải đốn hạ, di dời gần 300 cây xanh, và việc di dời những cây xanh cổ thụ sẽ gây nguy cơ chết cây, cây sống lay lắt, hoặc ngã đổ.

Tiếp tục bài toán giảm ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất và các tuyến giao thông của TP.HCM, sắp tới, TP sẽ hạn chế xe tải nhỏ chạy ban ngày trên những tuyến đường chính thường bị ùn tắc.

Hai điểm ùn tắc “khó thay đổi” nhất của thành phố là khu vực xung quanh cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ trưởng GTVT, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng nhận định hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng là nguyên nhân khiến cảng hàng không này “thường xuyên ùn tắc trên trời, trong khu bay, trong nhà ga, khiến chất lượng dịch vụ sụt giảm”.

Cục đề xuất với Bộ GTVT thực hiện sớm một số giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải. Cục muốn đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng sân đỗ, sớm đưa các vị trí đỗ máy bay qua đêm tại khu vực 19,79ha đất quốc phòng tạm bàn giao vào đầu năm vào khai thác thương mại ngay trong tháng 8; đề xuất tăng slot chuyến bay đến mức giới hạn; hoàn thiện phương thức khai thác 2 đường cất/hạ cánh song song… dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017-2018.

Còn việc xây nhà ga T4 và hệ thống giao thông đồng bộ từ đường Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám, đường nội bộ Sư đoàn 370… nằm trong kế hoạch dài hạn tới 2020.

‘Thất thoát’ gần 2,6 tỷ đồng, chỉ kiến nghị thu hồi hơn 876 triệu đồng; Hà Nội: 4 quận nội thành chỉ phát loa phường trong trường hợp khẩn cấp; Quảng Nam: Trả lại tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng cho khách du lịch Úc; Thành lập tổ điều tra vụ tàu VTB 26 chìm tại vùng biển Nghệ AnĐà Nẵng chưa thử nghiệm ứng dụng Uber… là những tin tức đáng chú ý khác, cập nhật về diễn biến đời sống chính trị, xã hội Việt Nam trong tuần.

Minh Hợp

Xem thêm: