Ba người dân ở xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), vừa bị TAND thị xã Kỳ Anh tuyên án tổng cộng 51 tháng tù treo khi một năm trước cùng nhiều người dân địa phương phản đối chính quyền xã đổ tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 để san lấp, nâng cấp sân vận động xã.

phan doi san lap tro xi nhiet dien
Ba người dân tại xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị đưa ra xét xử vì phản đối chính quyền dùng tro xỉ để san lấp, thi công sân vận động xã. (Ảnh chụp màn hinh/baohatinh.vn)

Ba người bị kết án gồm Triệu Thị Mương (sinh năm 1988), Nguyễn Tiến Trình (sinh năm 1975) và Bùi Thị Triển (sinh năm 1969), cùng trú tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, cùng với cáo buộc “Tội gây rối trật tự công cộng”.

Theo thông tin từ cáo trạng do Báo Hà Tĩnh trích dẫn, vụ việc xảy ra vào khoảng 13h15, ngày 25/4/2020, tại khu vực sân vận động xã Kỳ Nam, đối diện UBND xã Kỳ Nam (thuộc thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh). Lúc này, khi Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Anh cùng lực lượng được phân công bảo vệ thi công công trình tiến hành san lấp mặt bằng sân vận động thì ba người trên “đã liên tục hò hét, chửi bới, phản đối không cho đổ tro xỉ than san lấp mặt bằng công trình.”

Việc phản đối trên bị cho là “đi ngược với chủ trương sử dụng sản phẩm tro xỉ đã được Bộ Xây dựng xác định đạt chuẩn làm vật liệu xây dựng và làm đường giao thông, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân”.

Trong đó, cơ quan tố tụng thị xã Kỳ Anh cho rằng chị Mương giữ vai trò chính do tham gia tích cực nhất, ông Trình và bà Triển là đồng phạm. Vẫn theo cơ quan tố tụng, thời gian phản đối diễn ra trong 2 giờ đồng hồ, và đến 23h cùng ngày người dân mới giải tán ra về.

Tại phiên xét xử, ba người trên bị HĐXX tuyên phạt tổng mức án 51 tháng tù treo, trong đó: chị Triệu Thị Mương 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 36 tháng; ông Nguyễn Tiến Trình 17 tháng tù treo, thời gian thử thách 34 tháng; bà Bùi Thị Triển 16 tháng tù treo, thời gian thử thách 32 tháng.

Ngoài thông tin về phiên tòa, trang báo đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Kỳ Anh đang tiếp tục điều tra để xử lý những người cùng tham gia trong vụ việc phản đối trên.

Báo nhà nước hồi tháng 4/2020 đưa tin vào thời điểm trên, UBND xã Kỳ Nam nâng cấp lại sân vận động xã để đủ tiêu chuẩn nông thôn mới, nguyên liệu san lấp là tro xỉ do UBND thị xã Kỳ Anh xin từ Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.

Sáng 23/4, khi xe chở tro xỉ vào đổ san lấp thì hàng chục người dân đến phản đối vì cho rằng việc đổ tro xỉ sẽ gây ô nhiễm môi trường. Việc phản đối kéo dài tới tối muộn, khi 17h30 cùng ngày, khoảng 30 người đưa máy phát điện đến dựng rạp và đốt lửa thay phiên nhau trực, không cho xe vào thi công. Đến sáng 25/4, lán trại đã được dỡ bỏ nhưng hàng trăm người dân vẫn tập trung phản đối, cản trở thi công. Giới chức xã Kỳ Nam cho hay đã đổ được 20 xe tro xỉ để san lấp, còn việc thi công phải tạm hoãn do sự phản đối của người dân.

Bộ Xây dựng ra Quyết định 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 cho phép sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp dựa theo tiêu chí tại TCVN 12249:2018.

Mặc dù vậy, hơn một năm trước khi ra đời TCVN 12249:2018, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT ngày 20/9/2017, Bộ này cho biết “hầu hết lượng tro, xỉ nhiệt điện than không đáp ứng các tiêu chuẩn dùng làm vật liệu xây dựng hoặc các tiêu chuẩn/quy chuẩn cho một ngành sản xuất, được thải trực tiếp ra các bãi thải, gây tác động lớn đến môi trường. Với tình trạng gia tăng các nhà máy nhiệt điện than như hiện nay, nếu không có giải pháp xử lý triệt để tro xỉ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”. 

Ông Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia Năng lượng và Môi trường từng công bố một bài viết hồi tháng 12/2018 (*), đặt nghi vấn về chất lượng của bản tiêu chuẩn nói trên. Theo ông Thi, so với QCVN 07:2009/BTNMT thì TCVN 12249:2018 chỉ lấy 19 chỉ tiêu về thành phần nguy hại vô cơ, bỏ qua đến 206 chỉ tiêu về thành phần nguy hại hữu cơ – là những thành phần đã được chứng minh tồn tại trong than và tro, xỉ gồm các chất hữu cơ gây ô nhiễm bền vững như PCB, dioxin/furan, phenol…

Tương tự, so với QCVN 40: 2011/BTNMT thì TCVN 12249:2018 lấy 20 chỉ tiêu vô cơ, bỏ qua 13 chỉ tiêu (trong đó bao gồm PCB) và lại áp dụng cột B ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với cột A (nguồn tiếp nhận là nguồn cấp nước sinh hoạt).

Từ đó, ông Thi đặt câu hỏi: “Liệu rằng tất cả các loại chất thải công nghiệp không nguy hại khác đạt TCVN 12249:2018 như hạt nix thải (tồn tại khoảng 1 triệu tấn tại bãi thải nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Khánh Hòa), xỉ thép (phát sinh trên 1 triệu tấn/năm) cùng với hàng chục loại chất thải công nghiệp không nguy hại khác với tổng lượng thải khoảng 8 triệu tấn/năm… đều có thể sử dụng san lấp mặt bằng, như một công ty đang bị điều tra “là khả thi”, “có ý nghĩa thực tiễn, kinh tế và làm giảm tác động môi trường” hay sao?”

Nguyễn Quân

(*) https://cuoituan.tuoitre.vn/van-de-su-kien/nhung-cau-hoi-ve-tieu-chuan-moi-truong-1477118.html

Xem thêm: