Sau nửa ngày xét xử, nhà báo Phạm Đoan Trang vừa bị tuyên y án 9 năm tù trong phiên xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội.

pham doan trang bi tuyen y an
Mẹ, anh trai của bà Phạm Đoan Trang cùng đại diện các cơ quan ngoại giao một số nước bị từ chối dự khán phiên xét xử phúc thẩm bà Trang, sáng 25/8. (Ảnh: Thu Đỗ/Facebook)

8h sáng ngày 25/8, TAND cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với nhà báo Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ Phạm Thị Đoan Trang) về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (CHXHCN Việt Nam), theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 (hiện nay là Điều luật 117 Bộ luật hình sự 2015).

Tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/12/2021, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bà Trang 9 năm tù về tội danh trên.

Bốn trong số 5 luật sư đã tham gia bào chữa cho bà Trang tại phiên sơ thẩm tiếp tục bảo vệ thân chủ tại phiên phúc thẩm, gồm các luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Anh Tuấn và Đặng Đình Mạnh.

Phiên tòa được công bố mở công khai. Mặc dù vậy, mẹ và anh trai của bà Phạm Đoan Trang cùng các viên chức ngoại giao của Phái đoàn Ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) và Đại Sứ quán các nước Mỹ, Đức, Thuỵ Sĩ cùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Séc tại Việt Nam không được tham gia dự khán. Trước đó, thân nhân của bà Trang và các đại diện ngoại giao một số nước đã làm đơn đề nghị để được tham dự phiên tòa.

Phiên tòa kết thúc nhanh chóng. Khoảng hơn 12h trưa cùng ngày, qua trang Facebook cá nhân, luật sư Đặng Đình Mạnh thông báo phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, 9 năm tù giam đối với bà Trang.

“Dù không ngạc nhiên về kết quả ấy, nhưng cảm giác ngậm ngùi vẫn đè nặng tâm trí các luật sư tham gia phiên tòa sau lời tuyên án”, luật sư Mạnh viết.

Một ngày trước khi diễn ra phiên xét xử, luật sư Ngô Anh Tuấn cho hay đã tiếp xúc với bà Trang, nói rằng sức khỏe của bà Trang không được ổn nhưng tinh thần của bà rất tốt. Bà giữ nguyên quan điểm tự bào chữa là “không có tội”.

“Bà cho rằng, bạn đọc là người duy nhất được quyền phán xét người viết, không phải tòa án, càng không phải là công an hay kiểm sát…” – luật sư Tuấn truyền đạt thông tin từ bà Trang.

Vẫn qua lời ông Tuấn, bà Trang nhắn tới giới hữu trách rằng bà từng hy vọng bà là người cầm bút cuối cùng bị bắt và xử lý nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực. Bà mong có người lãnh đạo hiểu điều này và tìm cách thay đổi.

Bà Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, quê quán Hà Nội) là nhà báo từng làm việc cho một số báo và đài truyền hình nhà nước, là tác giả của một số cuốn sách và báo cáo – trong đó có sách “Chính trị Bình dân” (2017) và “Báo cáo Đồng Tâm” (đồng tác giả, 2020), đồng sáng lập trang web Tạp chí Luật Khoa (2014).

Bà bị bắt tại TP.HCM vào đêm 6/10/2020, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ kết thúc.

Ngày 14/3/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quốc tế Can đảm cho nhà báo Phạm Đoan Trang cùng 11 người phụ nữ tới từ các quốc gia khác. Buổi lễ do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì, Đệ nhất Phu nhân Jill Biden tham gia đọc bài phát biểu.

Trong hai phiên tòa độc lập diễn ra vào các ngày 16 và 17/8, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với ông Lê Văn Dũng (thường gọi là Lê Dũng Vova) và ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm, lần lượt các mức án 5 năm tù giam (5 năm quản chế), 10 năm tù giam (5 năm quản chế), và 6 năm tù giam (3 năm quản chế).

Cả 3 người trên cùng bị cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trước khi bị bắt và bị kết án, ông Dũng lên tiếng về các vấn đề xã hội với tư cách nhà báo độc lập, ông Phương và bà Tâm đã trải qua nhiều năm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi đất đai của gia đình tại xã Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội).

Nguyễn Quân