Thông tin trên do bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, nói tại buổi họp báo định kỳ về phòng dịch COVID-19, hôm 4/4.

bac si tphcm
Nhiều nhân viên y tế, đặc biệt đang công tác tại tuyến y tế cơ sở, cho rằng họ đang phải chịu một áp lực công việc quá lớn, trong khi mức lương nhận được chưa tương xứng. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn)

“Việc nhân viên y tế tại các cơ sở công lập xin nghỉ việc cũng là điều khó tránh khỏi”, bà Như nhận định.

Theo bà Như, hàng năm các đơn vị bệnh viện công lập tại TP.HCM đều ghi nhận có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc với rất nhiều lý do như nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp. Hơn nữa, đợt dịch COVID-19 khiến tình trạng kinh tế, nguồn thu nhập của các cơ sở y tế đều bị sụt giảm.

Ngành y tế TP đang đề xuất một số cơ chế chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến cơ sở. “Trong tuần này, HĐND TP sẽ họp và thông qua một số chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế”, bà Như nói.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 29/11/2021, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong khi năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc, thì 10 tháng đầu năm 2021 đã có 968 trường hợp xin nghỉ.

Nhiều nhân viên y tế, đặc biệt đang công tác tại tuyến y tế cơ sở, cho rằng họ đang phải chịu một áp lực công việc quá lớn, trong khi mức lương nhận được chưa tương xứng.

TP.HCM đang có tỷ lệ 20 bác sĩ trên 10.000 dân. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này có thể đạt khoảng 36 đến 44 đến 62 bác sĩ trên 10.000 dân.

Tỷ lệ nhân viên y tế tại thành phố hiện thấp nhất nước, chỉ khoảng 2,31 trên 10.000 dân, thấp hơn số trung bình cả nước là 7. Tình trạng thiếu nhân viên y tế cơ sở tồn tại từ lâu tại TP.HCM.

‘Điệp khúc’ nợ lương y bác sĩ BV Tuệ Tĩnh – Nhận lương bằng các khoản nợ?

Tại kỳ họp HĐND thành phố khóa X sáng ngày 8/12/2021, trả lời chất vấn về việc “làm sao củng cố y tế cơ sở”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng, cho biết Sở đã có đề án gửi Thường trực UBND TP, trong đó đề xuất nhiều chính sách giữ chân nhân lực tuyến y tế cơ sở.

Đầu tiên là thành phố cần hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở 4-6 triệu đồng mỗi tháng.

Tiếp theo, thành phố thu hút nhân lực đến công tác tại trạm y tế. Sở Y tế đã kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng. Thực hành tại trạm y tế, bác sĩ không phải đóng tiền, còn được thành phố hỗ trợ chi phí với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

“Nếu cơ chế này được thông qua, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ tăng cường xuống trạm y tế”, ông Thượng nói.

Cuối cùng, thành phố sẽ tăng người cho trạm y tế. Quy định hiện nay, mỗi trạm y tế phải có 5 đến 10 nhân viên. Tuy nhiên, ở TP có những phường xã rất đông dân, có nơi khoảng 170.000 dân, 5-10 nhân viên y tế không đáp ứng nổi.

Vì vậy, về lâu dài Quốc hội nên xem xét, điều chỉnh lại biên chế ở trạm y tế dựa trên quy mô dân số (tính theo một vạn dân) chứ không theo địa giới hành chính. Trước mắt, Sở Y tế sẽ kiến nghị tăng trần biên chế trạm y tế từ 10 đến 20 người.

“Nếu các chính sách này được thông qua, chắc chắn các trạm y tế sẽ tuyển dụng được nhân lực”, ông Thượng nói.

Làn sóng nghỉ việc thời gian qua đã xảy ra ở nhiều khoa, phòng thuộc Bệnh viện TP. Thủ Đức vì thu nhập quá thấp. Ví như khoa Truyền máu – Huyết học trước đây có hơn 40 nhân viên nhưng hiện tại chỉ còn 18 người.

Có thời điểm, họ phải đi khuân vác đồ đạc, vận chuyển máy móc, thiết bị y tế… theo yêu cầu của khoa, trong khi nhiệm vụ là làm chuyên môn, theo báo Dân Việt.

Hồi tháng 11/2021, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị bắt để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tháng 1/2022, một nhân viên phòng vật tư của bệnh viện bị bắt tạm giam do liên quan đến vụ mua kit test của Công ty Việt Á.

Hoàng Minh