Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 4 (có tên là SONCA).

bao so 4 sonca 3
Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão số 4. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày hôm nay (23/7), bão số 4 hầu như ít dịch chuyển.

Ghi nhận vào lúc 19h ngày 23/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ vĩ Bắc; 111,2 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Đến 19h ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ vĩ Bắc; 109,7 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8-9, biển động mạnh) sẽ thuộc khu vực từ vĩ tuyến 16,50N đến 20,50N; phía Tây kinh tuyến 113,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 giờ đến 48 giờ tiếp theo, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 19h ngày 25/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ Bắc; 107,2 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Bình khoảng 160 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5 m; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo cảnh báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 25/7, do ảnh hưởng của bão nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to và rải rác có dông. Từ chiều ngày 25/7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La có mưa vừa, mưa to.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Yêu cầu tàu thuyền chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm

Hồi 18h ngày 23/7, Bản Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Bộ, các bộ ngành liên quan.

Công điện cho hay cơn bão số 4 là cơn bão hình thành ngay trên biển Đông, di chuyển chậm và còn diễn biến phức tạp, trong khi các tỉnh từ Quảng Bình trở ra vừa phải chịu ảnh hưởng do bão số 2 và mưa lũ sau bão gây ra.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đồng thời chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại khu vực du lịch ven biển, trên các đảo, các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lũ,…

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối các khu vực thấp trũng thường xuyên bị ngập úng để sẵn sàng thực hiện; giảm thiểu thiệt hại khi các hồ chứa tiếp tục xả lũ,…

>> Thủy điện Hòa Bình xả lũ, hàng trăm tấn cá lồng trên sông Đà chết ngạt

Cảnh báo lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang xuống chậm; mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên chậm.

Theo số liệu lúc 15h ngày 23/7, mực nước sông Thao tại Lào Cai là: 80,05 m (trên báo động 1: 0,05 m); tại Yên Bái là 31,02 m (trên báo động 2: 0,02 m); tại Phú Thọ là 17,24 m (dưới báo động 1: 0,26 m). Mực nước sông Hồng tại Hà Nội: 7,63 m (dưới báo động 1: 1,87 m).

Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt nguy cơ cao tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Than Uyên (Lai Châu); Mường Khương, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Thắng, TP. Lào Cai, Sa Pa (Lào Cai); Bảo Lạc, Thông Nông (Cao Bằng); Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã (Sơn La). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Thủy Minh

Xem thêm: