Hiện bão số 9 đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Tuy nhiên, tình hình mưa lớn, lũ, lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị còn diễn biến phức tạp.

sat lo khanh hoa
Nhiều nơi tại Khánh Hòa bị sạt lở do bão số 9. (Ảnh: baokhanhhoa)

Tại Khánh Hòa: Bão số 9 kèm theo mưa to đến rất to khiến toàn tỉnh có nhiều nơi ngập nặng và bị chia cắt, các trục đường chính như Quốc lộ 1 (đoạn qua Cam Ranh), Quốc lộ 27C (đường Nha Trang – Đà Lạt), Quốc lộ 26 đi Đắk Lắk, Tỉnh lộ 9 đi Khánh Sơn… bị sạt lở nặng, có nơi giao thông tê liệt.

Tại TP. Cam Ranh, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết đợt mưa lũ trong đêm 24 và ngày 25/11 đã khiến nhiều địa bàn dân cư trên bị ngập sâu, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Lực lượng chức năng của thành phố đã phối hợp với các đơn vị quân đội đã tiến hành di dời hơn 800 hộ dân, với trên 2.000 người ra khỏi khu vực xung yếu, đến nơi an toàn.

Tại xã Cam Lập (TP. Cam Ranh), do mưa lớn nên đoạn đường từ Quốc lộ 1A dẫn vào thôn Bình Lập đã bị vỡ một đoạn dài khoảng 50m. Có khoảng 300 hộ dân ở bán đảo Bình Lập bị chia cắt với đất liền.

sap cau vao thon Binh Lap
Sập cầu dẫn vào thôn Bình Lập. (Ảnh: baokhanhhoa)

Có khoảng 45 hộ trên địa bàn có với 60 ao đìa bị mưa lớn tràn về làm vỡ bờ bao, trôi hết tôm và ốc. Thống kê sơ bộ, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Mưa lũ cũng đã khiến hàng trăm hộ dân thuộc địa bàn xã Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông, phường Cam Lộc, Ba Ngòi phải di dời đến nơi an toàn. Trong đó, 2 địa phương Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông đã có hơn 500 người phải rời bỏ nhà cửa do nước ngập sâu từ nửa mét đến hơn 1m. Mưa lũ đã làm 20 con dê, 500 con gà, 550 con vịt ở địa bàn xã Cam Phước Đông chết.

Cũng do ảnh hưởng của bão số 9, học sinh toàn tỉnh được nghỉ học vào ngày 26/11.

Tại Bình Thuận: Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 8 hồ chứa đạt và xấp xỉ mực nước dâng bình thường, còn lại đều dưới cao trình mực nước dâng bình thường.

binh thuan bo bien bi sat lo
Một đoạn bờ biển Bình Thuận bị sạt lở do bão. (Ảnh: baobinhthuan)

Vào lúc 18h ngày 25/11, hồ Lòng Sông (Tuy Phong) xả nước điều tiết qua tràn hồ với lưu lượng 30m3/s. Hiện lưu lượng nước về hồ là 167,81m3/s nên mực nước tăng nhanh. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão, di dời người dân tại các vùng ven biển xung yếu, sạt lở an toàn. Tập trung huy động lực lượng, phương tiện ứng phó sạt lở, neo buộc tàu thuyền tránh sóng đánh va đập gây hư hỏng, chìm tàu.

Đến thời điểm 17h ngày 25/11, bão số 9 không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về nhà ở là 19 căn; tàu thuyền thiệt hại 36 chiếc; lồng bè thủy sản 2 cái/10.500 con; diện tích lúa bị ngập 50 ha; kè biển bị hư hỏng 25m2; sạt lở bờ biển trên 3 km.

Cụ thể, tại TP. Phan Thiết bị sập, hư hỏng 19 căn (6 nhà tạm; 5 nhà cấp 4 và 8 nhà hư hỏng nhẹ, có nguy cơ bị sập – đã bị sạt lở trước đây vào tới kiềng nhà); chìm và hư hỏng thuyền máy và thúng chai 34 chiếc (có 1 chiếc công suất 65CV; 27 chiếc công suất < 20CV và 6 chiếc thúng máy).

Đặc biệt, hiện tình trạng sạt lở tuyến đường giao thông Chí Công – Bình Thạnh tại khu vực Đồi Dương, xã Bình Thạnh, làm nguy cơ sập đổ 13 lều quán dọc ven biển. Thiệt hại 1 bè/18 lồng/8.000 con cá bớp từ 7 – 9 tháng tuổi.

Tại huyện Bắc Bình, có 28m bờ bao sông Đồng thuộc xã Phan Hòa bị sạt lở, địa phương đã huy động lực lượng xã khắc phục tạm thời bằng bao cát. Ngoài ra, ngập cục bộ khoảng 50 ha diện tích lúa vụ mùa trong giai đoạn gần chín (70 – 75 ngày tuổi). Riêng tại Hàm Thuận Nam cũng thiệt hại 1 bè/2.500 con cá bớp (từ 1 – 3kg/con) thiệt hại 100%; sạt lở 20 m đường bờ biển, vào sau từ 2 – 3 m, tại thôn Kê gà, xã Tân Thành; có 2 ngôi nhà bị uy hiếp trực tiếp, có nguy cơ sập. Công tác khắc phục và thống kê thiệt hại đang được các địa phương triển khai thực hiện.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến 17h ngày 25/11, trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại về người.

tp vung tau bi ngap
TP Bà Rịa ngập trong nước. (Ảnh: baobariavungtau)

Tại các địa phương, đã có hàng ngàn cây xanh gãy đổ, gió bão cũng đã làm một số nhà dân bị tốc mái. Tại huyện Xuyên Mộc có 8 căn nhà bị tốc mái, TP. Vũng Tàu 3 căn bị tốc mái và 4 tàu dưới 20CV đậu tại khu vực Bãi Trước bị chìm, hư hỏng; TP. Bà Rịa có 1 căn bị cháy do chập điện; huyện Long Điền 12 căn tốc mái; thị xã Phú Mỹ có 1 căn nhà tốc mái; huyện Châu Đức 2 căn nhà và 3 phòng học của trường trung học Sông Cầu bị tốc mái.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão, hơn 200.000 học sinh toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học vào ngày 26/11.

Tại TP.HCM: Do ảnh hưởng của bão số 9, thành phố có mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường trên toàn thành phố bị ngập nặng, có nơi ngập sâu hơn 1m. Khoảng 18h ngày 25/11, toàn thành phố có hơn 40 điểm ngập.

tuyen duong quoc huong quan 2 bi ngap
Tuyến đường Quốc Hương (quận 2) ngập sâu. (Ảnh: FB)

Một số tuyến đường ngập nặng như: Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh nước ngập hơn 50 cm.

Tại đường Nguyễn Văn Linh (thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), mưa và gió lớn khiến một cây cổ thụ đường kính gần một mét bật gốc, đè trúng một người đang chạy xe máy. Nạn nhân được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Ngoài ra, tối ngày 25/11, Tổng công ty Điện lực thành phố đã có thông báo nhiều khu vực bị ngập nước khiến hệ thống tủ điện, dây điện chìm trong nước, nên Tổng công ty đã chủ động đã cắt điện nhằm đảm bảo an toàn.

Một số tuyến đường thuộc khu vực chợ Bến Thành (quận 1), Rạnh Bùng Binh – Kỳ Đồng (quận 3), Huỳnh Tấn Phát (quận 7) và nhiều khu vực khác ở quận 8, Bình Thạnh, Nhà Bè, Cần Giờ…sẽ bị cắt điện. Điều này đồng nghĩa với hơn 60.000 khách hàng không có điện sử dụng.

Hoàng Minh (t/h)

Xem thêm: