Chỉ có thiên nhiên, các giá trị nhân văn của con người mới làm nên các nhân tố văn hóa thực sự. Một cộng đồng sẽ dễ dàng bị lãng quên khi tính văn hóa của cư dân không còn.

img3
(Ảnh: tadtravel.vn)

Tháng 9 đất Quảng Nam, cái nắng chang chang trong vắt khiến biển càng mịn và xanh. Điểm đến là ngôi làng bích họa đầu tiên của Việt Nam – làng bích họa Tam Thanh với hơn 70 ngôi nhà họa tranh được quảng bá trở thành điểm nhấn du lịch.

Trái với hình dung về một ngôi làng rực rỡ, choáng ngợp đầy màu sắc, những bức bích họa nằm ẩn khuất bên hông những ngôi nhà, phải để ý tìm kiếm hoặc rẽ vào ngõ nhỏ mới thấy. Hơn một năm qua đi, một số bức vẽ đã bị bong tróc, màu đã phai, một số miếng đắp rơi mất để lại từng khoảng trống trên tường. Có những căn nhà được xây mới để phục vụ kinh doanh du lịch, có bức họa áo dài duyên dáng bị hoen ố khi chủ nhà tận dụng thêm không gian mở quán.

Tôi tự hỏi đâu là sức sống của ngôi làng khi những câu chuyện về một dự án cộng đồng tâm huyết giữa họa sỹ và người dân đang hiện lên vỏn vẹn qua những bức tranh đang phai nhạt dần.

Nhưng cách mà những người dân tiếp đón du khách phương xa cho tôi hiểu nếu chỉ cầm máy ảnh đi quanh những bức tường được họa thì sẽ mãi không cảm nhận được hết không gian văn hóa nơi đây. Đi qua thềm một gia đình làm dịch vụ trông xe, bà cụ cứ băn khoăn nắng thế này sao không chọn muộn muộn hẵng đi? Một anh bỏ ngang bữa cơm, hướng ra cửa chỉ đi thêm mấy nhà sẽ có bức vẽ đẹp.

Một phụ nữ mời tôi uống nước, rồi gần như ngay lập tức, hối vô ăn cơm. “Chưa ăn thì vô đây. Nắng quá, ăn xong rồi nghỉ một lát rồi hẵng đi”. Bát cơm trắng xới đầy, cá nục một con kho, vài ba con rán, thêm bát canh thuyền chài. Xoay quanh mâm cơm là câu chuyện về những ngày biển động, về người con đi lính sắp về đang tìm lo công việc. Bà cụ hơn 80 tuổi luôn miệng nhắc đừng quên ghé thăm gia đình người làm may câm điếc có bức họa trên tường.

Người đàn ông tên Đức đón tôi bằng vẻ sốt sắng của một người không thể nói. Anh ra dấu với những âm thanh trong vòm họng hỏi khách có uống nước dừa, một trái hay hai? Khách đến thăm, cả gia đình bỏ dở công việc đang làm, ngồi quây quần tiếp chuyện. Anh câm điếc, chị khuyết tật tay, chân, nhưng xoay quanh câu chuyện là những lời nói đùa, tiếng cười kể về những đổi thay từ khi ngôi làng được vẽ, là tình cảm trân trọng món quà mà gia đình anh nhận được như chứng nhân cho hạnh phúc trong gia đình nhỏ mà anh chị đang có. Anh ra dấu hãy dùng tấm hình có bức vẽ, đừng dùng tấm hình chỉ có ba thành viên, vì ngày hôm đó cô con gái nhỏ đi học bán trú không về, thiếu một người gia đình sẽ không trọn vẹn.

lang bich hoa tam thanh
Gia đình anh Đức, chị Tường Vi (vẫn mạn phép dùng bức ảnh vì nụ cười lấp lánh của cả gia đình). (Ảnh: Nghinh Xuân)

Cứ như thế, điều để lại khi bước chân qua làng bích họa Tam Thanh không phải là cảm giác mãn nhãn đến từ buổi triển lãm hội họa. Sự hòa hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên, những bức vẽ và nụ cười lấp lánh của người dân tạo nên cảm xúc về một ngôi làng yên bình, gợi nhớ ký ức về gia đình, làng xóm. Nhiều du khách ghé qua cũng ghi lại cảm xúc về sự thân thiện của con người nơi đây. Sức thu hút du khách không chỉ là những tấm hình selfie, ngay cả với nhiều bạn trẻ, đó còn là cuộc sống cởi mở, giản dị của người dân địa phương. Trên cái nền đời sống ấy, những bức họa được thêm vào đã tạo nên không gian du lịch mở giúp cải thiện đời sống người dân. Không riêng ngôi làng Tam Thanh được gọi tên là làng cổ tích. Những dự án làng bích họa trước đó, như làng Ehwa, làng Dongpirang, làng Gamcheon tại Hàn Quốc, làng Kampung Pelangi tại Indonesia… cũng đã rất thành công khi giúp hồi sinh lại những khu dân cư còn nguyên nét tính cách thuần thiện nhưng lại bị lãng quên trong nhịp phát triển, trước nguy cơ bị phá để thay thế bằng các dự án chung cư, trung tâm thương mại.

img4
(Ảnh: pystravel.vn)

Khác với phần lớn các dự án du lịch vốn khai thác tiềm năng thiên nhiên và rồi vắt kiệt nó, để lại hệ quả hủy hoại môi sinh cùng đời sống của cư dân bản địa, dự án nghệ thuật vì cộng đồng tại ngôi làng Tam Thanh gắn liền với tính văn hóa, lấy đời sống của chính người dân làm nguyên liệu, đồng thời tạo nên ý thức giữ gìn cuộc sống của những người dân nơi đây. Dù có những đắn đo, nghi ngại ban đầu, sau khi những bức vẽ đầu tiên được hoàn thành, thanh niên trong làng đã cùng nhau xắn tay cạo sơn, vôi trên tường để các họa sỹ thực hiện tác phẩm; mọi người bảo nhau bỏ rác vào thùng, ra biển dọn dẹp rác thải, gìn giữ vệ sinh. Sự thành công của dự án không chỉ được đo bằng hiệu quả kinh tế – trong 3 tháng sau khi khánh thành (tháng 6/2016), mỗi ngày ngôi làng đón khoảng 150 – 200 lượt khách; thời điểm nghỉ lễ có tới hơn 1.000 lượt (theo thống kê của tỉnh), mà còn là việc giúp người dân thay đổi hành vi, mang lại một tinh thần mới trong đời sống.

Đó là cái hay của những dự án vì cộng đồng. Khi bản chất tinh tế của đời sống người dân được bộc lộ, tính hiệu quả về kinh tế, sức truyền tải về văn hóa sẽ được tạo thành. Một sản phẩm kinh tế tốt trước hết phải có giá trị về văn hóa. Nhưng để làm được điều đó, điều cần là các bước nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra những sản phẩm gắn liền với đời sống người dân địa phương, từ đó giúp khơi lại những không gian văn hóa trong lòng người.

MG 5425
“Chưa ăn thì vô đây. Nắng quá, ăn xong rồi nghỉ một lát rồi hẵng đi”. (Ảnh: Nghinh Xuân)

Theo Masanobu Fukuoka (*), con người chẳng nên đi đâu xa khỏi tự nhiên. “Việc Sống không gì hơn là hệ quả của việc được sinh ra”. Trong chỉnh thể hài hòa của tự nhiên thuần phác, sự giản dị, lương thiện của con người đã là một phần trong đó. Nhưng khi con người ham muốn vô độ hơn những gì được trao tặng, ý nghĩa thực sự của đời sống bị biến mất trong vòng xoáy của ham muốn sở hữu vật chất. Người ta tranh giành để đoạt được lợi ích cá nhân mà không hiểu những điều này sẽ chỉ dẫn tới sự chia cắt giữa con người với nhau, dẫn tới ham muốn chiếm đoạt, cuối cùng là hủy hoại cả tự nhiên để chiếm phần hơn về mình.

Sapa, Sơn Trà, Sơn Đoòng, Hội An… những ví dụ về việc thiên nhiên, văn hóa bị hủy hoại trong vòng xoáy thương mại hóa sẽ còn nhiều thêm, khi người ta cho rằng nền tảng của việc sống như thể chỉ dựa vào tiền.

Vậy nhưng vẫn có những vùng đất du lịch mà cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa đang được hòa vào làm một. Như dự án làng nghệ thuật Tam Thanh, hay như ngôi làng Vĩnh Hy tại TP. Ninh Thuận. Khoảng gần mười năm trước, khi những con đường ven biển hoàn thành, vịnh Vĩnh Hy (TP. Ninh Thuận) bắt đầu đón du khách nhiều và đều dần. Tới nay, dù gần một nửa cư dân trong làng đã tham gia làm dịch vụ du lịch biển, ngôi làng nhỏ Vĩnh Hy vẫn gần gụi trong bản sắc dân dã, chất phác của làng quê chài lưới.

Nằm bên bờ vịnh được vòng ôm bởi hai dải núi vươn ra biển, nước trong xanh ngắt, có rạn san hô và nguồn hải sản trù phú, ngôi làng trở thành nơi lưu trú gần nhất cho những du khách muốn ghé thăm vịnh. Vậy nhưng trong làng không có quá nhiều hàng quán, không có tiếng nhạc xập xình hay việc ganh đua, lớn lối tranh giành khách. Dọc con đường làng dẫn vào vịnh, để ý sẽ thấy hàng sáng bán bên trái, quà chiều bán bên phải – một cách sắp xếp để ai cũng có thể bán hàng cải thiện thu nhập mà không gây mối bất hòa. Buổi tối, trên bãi bóng chuyền của thôn, một vài bóng điện được kéo ra, vài chiếc bàn bán hải sản, đồ vặt buổi đêm. Người bán không nói thách, và những đứa trẻ tập xe quanh làng.

Không gian tự nhiên khi bất kỳ ai cũng sẵn sàng chỉ đường, giúp khách tìm phòng nghỉ hay chuẩn bị đồ khi đi thuyền ngắm san hô, đi lặn. Nụ cười nâu giòn của anh ngư dân thuyền bên nở rộ khi khách nhờ đi qua.

Những người chịu trách nhiệm quản lý trong làng cho hay người dân được hướng dẫn trong cách giao tiếp với du khách, cư xử thân tình, cởi mở để giúp du khách xóa đi tâm lý phòng vệ để cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên cùng giá trị cuộc sống và con người nơi đây.

Những câu chuyện mến khách tại làng chài – làng bích họa Tam Thanh hay làng chài Vĩnh Hy cho thấy sức sống du lịch không chỉ nằm ở vẻ đẹp của tự nhiên, mà là ở con người, là nếp sống, cách ứng xử. Ở ngôi làng bích họa Tam Thanh, sức sống du lịch được tạo nên từ sự kết nối giữa họa sỹ và người dân, qua đó nét đẹp của ngôi làng được truyền tải qua tranh vẽ với những câu chuyện về cuộc sống bình dị và nhiều ước mơ. Còn ở ngôi làng Vĩnh Hy, đó đơn giản là sự chất phác, lương thiện của người dân.

Hiện nay, khi tham vọng kiếm tiền lớn quá lớn, người ta quên mất hay không cần biết tiền chỉ là hệ quả thực dụng được tạo ra khi khai thác văn hóa. Khi bị khai thác bằng mọi giá, văn hóa, tự nhiên sẽ chết dần, thay vào đó sự phô trương lại được biến thành cái gọi là văn hóa. Tại nhiều kiot ở TP. Hội An, người ta đã mở nhạc công suất lớn với suy nghĩ để thu hút khách du lịch phương Tây. Cảnh chặn đường, lôi kéo du khách vào bar, cafe đã không còn lạ. Không gian văn hóa hoài cổ, tĩnh mịch tạo nên thương hiệu của thành phố 500 năm tuổi đang vỡ rạn. Bên bờ biển Bãi Cháy (TP. Hạ Long), con đường Hạ Long từng êm đềm với tầm nhìn thẳng ra vịnh, nay bị che khuất bởi những khối kiot dựng lên trên đất lấn biển, những tòa nhà kiến trúc lai căng, mở nhạc sàn và bày bán những món đồ nhập về từ Trung Quốc. Những điều đó có là một phần của vùng đất, con người nơi ấy hay không?

Như những di sản văn hóa phải cần phải có không gian văn hóa mới có thể có sức sống, điểm du lịch không nên chỉ hiểu như một nơi trao đổi dịch vụ, sòng phẳng người bán – kẻ mua. Điểm du lịch nên tồn tại cùng với không gian du lịch. Không gian du lịch ấy, đôi khi chỉ là nụ cười mến khách của người kéo lưới trên sông Hoài buổi sớm, của gánh hàng rong bên bức tường vàng trong phố cổ Hội An.

Chỉ có thiên nhiên, các giá trị nhân văn của con người mới làm nên các nhân tố văn hóa thực sự. Một cộng đồng sẽ dễ dàng bị lãng quên khi tính văn hóa của cư dân không còn. Nhưng khi nét văn hóa bị nhuốm màu vật chất, người ta dần quên mất điểm bắt đầu của văn hóa nên là sự kết nối từ sự thuần thiện trong đời sống con người. Dự án làng bích họa đầu tiên tại Việt Nam – làng bích họa Tam Thanh có thể sẽ không thành nếu thiếu đi câu chuyện cuộc đời của những người dân nơi ấy, là ngôi làng chài với những ngư dân bám biển, những đứa trẻ với tuổi thơ gắn liền với cánh diều, với cá, rùa, với ô cửa mở ra là nhìn thấy biển.

Ngay cả khi những bức vẽ phai nhạt dần theo thời gian, bát cơm trắng cá kho, lòng mến khách hồn hậu vẫn tạo nên sự kết nối sâu đậm cho bất cứ ai từng đặt chân tới làng chài Tam Thanh.

Còn đối với vịnh Vĩnh Hy, dẫu nó vẫn cứ ở đó như một ốc đảo giữa vùng đất “nắng như Phan, gió như Rang”, thì ấn tượng về vùng vịnh nhỏ xinh này cũng sẽ không hiền dịu như thế nếu thiếu đi sự thuần phác của người dân, của cách cư xử tự nhiên như tình làng nghĩa xóm ngay cả đối với khách phương xa.

(*) Tác giả cuốn “Cuộc cách mạng một cọng rơm” (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2015)

Nghinh Xuân

Xem thêm: