Truyền thông nhà nước của Trung Quốc loan tin ít nhất 18.000 tàu cá Trung Quốc đã ra khơi, đánh bắt tại Biển Đông kể từ hôm qua, 16/8. Thông tin được công bố công khai cho thấy Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách xâm phạm chủ quyền tại vùng biển này.

tau ca trung quoc tran xuong bien dong 2
Trung Quốc đưa tin 16.700 tàu đánh cá ở tỉnh Hải Nam bắt đầu ra khơi ở Biển Đông từ ngày 16/8. (Ảnh chụp màn hình/Chinanews)

China News ngày 16/8 liên tiếp đưa hai bản tin về việc lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở Biển Đông đã kết thúc, kể từ 12h ngày 16/8, 18.000 tàu cá của nước này sẽ bắt đầu mùa thu hoạch mới ở Biển Đông.

Trang này cho hay trong ngày 16/8, hơn 16.700 tàu cá của tỉnh Hải Nam và 1.300 tàu cá của TP Dương Giang, tỉnh Quảng Đông bắt đầu ra khơi ở khu vực Biển Đông (bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ) từ 12 độ vĩ Bắc đến “đường giao nhau của biển Phúc Kiến và Quảng Đông”. Bản tin nói rõ năm nay là năm thứ 22 Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực này, bắt đầu từ 12h ngày 1/5.

Cùng ngày, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đăng một đoạn phim nói rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi sau khi lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông kết thúc. Chuyến ra khơi kéo dài khoảng 6-7 ngày. Đoạn phim chiếu thêm cảnh các tàu cá ở Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây hôm 16/8 bắt đầu ra khơi ở vịnh Bắc Bộ để đánh bắt ở “vùng biển mở”.

tau ca trung quoc tran xuong bien dong 1
Khoảng 1.300 tàu cá ở tỉnh Quảng Đông sẽ đánh bắt ở Biển Đông từ ngày 16/8. (Ảnh chụp màn hình/Chinanews)

Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ năm 1999 tới nay. Trái với thông tin tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông do Trung Quốc đơn phương đưa ra luôn bị các quốc gia phản đối.

Hồi tháng 5/2020, Chủ tịch Hiệp hội Ngư dân Philippines đặt câu hỏi: “Trung Quốc lấy quyền gì đánh bắt trong vùng biển của Philippines, ra lệnh cấm đánh cá trong vùng biển của Philippines và phá hoại môi trường của láng giềng qua các công trình bồi đắp đảo phi pháp?”

Hôm 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 – 16/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết “Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.

Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở biển Hoa Đông nhằm khẳng định chủ quyền tại vùng biển quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono cảnh báo Tokyo sẽ hành động “cứng rắn” nếu tàu cá Trung Quốc lảng vảng gần quần đảo đang do Nhật kiểm soát, theo Đài NHK. Trong một cuộc họp báo trước đó vào cuối tháng 7, tướng Kevin Schneider, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Nhật, khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản “365 ngày trong năm, 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần” xử lý tình huống tàu nước ngoài đột nhập vào quanh các đảo trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát. Đây là động thái ủng hộ nhiều hàm ý ngoại giao khi trước đó dù công nhận quyền quản lý của Nhật Bản, Washington hầu như giữ thái độ trung lập trong tranh chấp về chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc tại vùng biển này.

Nguyễn Minh