Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết việc ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa ra khỏi nước Đức hôm 23/7 bằng biện pháp như trong các bộ phim về thời Chiến Tranh Lạnh là điều không thể chấp nhận được, đồng thời cho hay nước Đức đang cân nhắc tới các biện pháp trừng phạt Việt Nam.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tại một hội nghị ở Berlin tháng 6/2017 (Ảnh: Gettyimages)

Truyền thông Đức đưa tin ngày 4/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết nước này đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán của Việt Nam ở Đức rời Berlin vì tin rằng người này liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại công viên Tiergarten (Berlin) hôm 23/7.

“Chúng tôi yêu cầu ông ta rời khỏi Đức vì chúng tôi chắc chắn rằng ông ta liên quan đến vụ bắt cóc”, Ngoại trưởng Gabriel nói.

“Tất cả đều ủng hộ giả thiết rằng sĩ quan tình báo này, cùng với sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam, dùng nơi ở của ông ta tại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người xin tỵ nạn”.

Ngoại trưởng Gabriel cũng nói thêm việc ông Trịnh Xuân Thanh “bị đưa ra khỏi Đức, bằng biện pháp mà chúng tôi tin rằng có thể được thấy trong các bộ phim về Chiến tranh Lạnh – là điều chúng tôi không thể chấp nhận”.

Ông Gabriel cho hay sau nhiều cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak, Đức đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Việt Nam (nhưng không đề cập chi tiết).

Bộ ngoại giao Đức: “Vụ bắt cóc chà đạp lên Luật lệ Đức, trên lãnh thổ Đức, dưới chủ quyền của nước Đức”

Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin. Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức – ông Markus Ederer cho biết ngày 1/8, Đức đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức về vụ việc.

Theo Bộ Ngoại giao Đức, “việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành vi vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có […]. Vụ việc có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Ông Markus Ederer cũng cho hay ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Đức đã nói rất rõ quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ Việt Nam rằng Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.

Do hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này, Bộ Ngoại giao Đức cho hay viên chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) có 48 tiếng để rời khỏi Đức và “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển”.

Theo Bộ Ngoại giao Đức, vụ bắt cóc cũng là sự bội tín rất lớn của Chính phủ Việt Nam khi tại bên lề của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hamburg vừa qua, đại diện cấp cao của Chính phủ Liên bang Đức, theo lời yêu cầu của phía Việt Nam, đã nói về việc làm cách nào để có thể tiến hành yêu cầu dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam theo như mong muốn, đồng thời tuân thủ các quy tắc của nhà nước pháp quyền.

Bộ Ngoại giao Đức cho hay ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tỵ nạn ở Đức và đơn này vẫn còn đang được xem xét. Ông Thanh bị Chính phủ Việt Nam cáo buộc phạm nhiều tội nghiêm trọng. Phía Việt Nam muốn nhận được sự chấp thuận dẫn độ công dân này từ Đức về Việt Nam.

Với những bằng chứng và cơ sở điều tra thu thập được, Bộ Ngoại giao Đức chắc chắn rằng các bộ phận của nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động tại Đức trong những ngày vừa qua, những hoạt động mà theo khái niệm của Luật Hình sự có thể gọi là: cướp người, bắt cóc, tống tiền. Bộ Ngoại giao Đức cho hay vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Việc một nhà nước nước ngoài chà đạp lên Luật lệ Đức, trên lãnh thổ Đức, dưới chủ quyền của nước Đức như vậy là không thể chấp nhận được.

bat coc trinh xuan thanh 12
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được Hãng Thông tấn Đức (DPA), Đài truyền hình quốc gia Đức cùng hàng loạt các tờ báo lớn của Đức và thế giới liên tục cập nhật.

Bộ Ngoại giao Việt Nam “lấy làm tiếc” trước thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức

Trả lời báo chí về vụ việc, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã bày tỏ “lấy làm tiếc” trước phát biểu của Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.

“Theo thông báo chính thức của Bộ Công an đã được báo chí đăng tải, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Cũng trong ngày 3/8, chương trình Thời sự VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng bản tin ông Trịnh Xuân Thanh cho biết việc trốn tránh tại Đức của mình là do suy nghĩ chưa chín chắn.

bat coc trinh xuan thanh 13
Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh mệt mỏi trong bản tin của VTV1.

Bản tin dẫn một số nội dung trong đơn đầu thú của ông Trịnh Xuân Thanh: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

Ông Thanh cũng cho hay việc trốn tránh là do “suy nghĩ chưa chín chắn” và trong quá trình đó đã nhận ra “cần phải về để đối diện với sự thật, gặp lại mọi người, nhận khuyết điểm và xin lỗi”.

Trước đó, ngày 31/7, Bộ Công an đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh “đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú”. Cơ quan An ninh điều tra đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo quy định pháp luật.

Phản ứng trước thông tin ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại Cơ quan An ninh Việt Nam, Luật sư của ông Thanh tại Đức đã phủ nhận và cho hay theo các nhân chứng của vụ bắt cóc, một nhóm người được trang bị vũ khí đã cưỡng chế ông Thanh và người phụ nữ đi cùng lên một chiếc ô tô mang biển kiểm soát Cộng hòa Séc.

Tờ báo Đức Berliner ZeiTung đưa tin có những dấu hiệu cho thấy ông Thanh được chở đến một quốc gia ở Đông Âu, bị đặt trong một chiếc cáng cứu thương sau đó đưa lên máy bay chở về Việt Nam.

Vụ việc tiếp tục được Hãng Thông tấn Đức (DPA), Đài truyền hình quốc gia Đức cùng hàng loạt các tờ báo lớn của Đức và thế giới cập nhật.

Lưu Giang

Xem thêm: