Những ngày qua, tại TP.HCM, số ca nhập viện khám và điều trị vì bệnh tay chân miệng ở các bệnh viện nhi có xu hướng tăng. Đáng chú ý, một trường hợp mới tử vong.

tre em benh tay chan mieng
BS CK2 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi tay chân miệng. (Ảnh: sggp.org.vn)

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết sáng ngày 31/5, bé trai N.H.D. (SN 2018, quê ở tỉnh Kiên Giang) được chuyển đến Bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, co gồng, tay chân mát, mạch nhanh nhẹ, sốt cao đến 41,2 độ C.

Theo bệnh án, trước đó 4 ngày, bé đã có các triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói, sau đó bé sốt cao kèm run toàn thân, gọi không biết, vã mồ hôi.

Phụ huynh đưa bé đi nhập bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3. Trẻ được đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Các bác sĩ tại đây chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ 4. Bệnh nhân được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn, lọc máu theo phác đồ.

Tuy nhiên, do tình trạng bệnh rất nặng nên đến chiều tối 31/5 bé đã tử vong. Nguyên nhân tử vong phần nhiều do bệnh tay chân miệng và bệnh viện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR xác định.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc tay chân miệng năm nay thấp hơn năm trước, tuy nhiên hiện virus Enterovirus 71 gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ đã xuất hiện trở lại là rất đáng lo ngại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 270 ca điều trị nội trú.

Trong tuần 21 (từ ngày 22 đến 28/5), thành phố ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca).

Hiện các bệnh chuyên khoa Nhi của thành phố đang điều trị 33 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tất cả đều là dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng (3 ca TP.HCM tại quận Tân Phú và huyện Củ Chi) và đã có 4 trường hợp nặng xác định do mắc EV71.

Theo HCDC, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch nhưng chưa có vắc-xin ngừa bệnh.

Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Giới chức Y tế thành phố khuyến cáo cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng..) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi.

Trước đó, ngày 30/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng độ 4, với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan.

Minh Long