Hai tuần trước khi nhập viện, bé trai đi tắm biển cùng gia đình và có chạm vào sứa biển. Sau đó, trẻ bị ngứa, nổi bọng nước, ban đỏ nhiều vùng trên cánh tay trái. Bé trai được người nhà đưa vào viện trong tình trạng cánh tay có nhiều vết thương bị tổn thương sâu, có điểm hoại tử.

vet thuong do bi sua dot 2
Vết thương trên cánh tay trái của bệnh nhi sau hai tuần bị sứa biển đốt, tự điều trị không đúng cách tại nhà. (Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương)

Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương hiện đang điều trị cho một bệnh nhi 10 tuổi bị sứa biển đốt gây tổn thương sâu, có điểm hoại tử ở vết thương.

Gia đình trẻ cho hay khoảng 2 tuần trước khi vào viện, trẻ đi tắm biển và có chạm vào sứa biển. Sau đó, trẻ có phản ứng ngứa và nổi bọng nước, ban đỏ nhiều ở vùng cánh tay. Khi về nhà, mẹ bệnh nhi tự đi mua thuốc về bôi cho con. Trẻ ngứa, cào gãi ở vùng vết thương dẫn đến vỡ bọng nước, lở loét. Bệnh nhi đã được điều trị tại một bệnh viện tuyến huyện trong 7 ngày, nhưng do tổn thương lâu lành, trẻ được chuyển lên khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Qua khám trực tiếp và tìm hiểu thông tin bệnh sử, các bác sĩ xác định trẻ bị viêm da tiếp xúc kích ứng sau khi chạm vào sứa biển. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch, băng bó và chăm sóc vết thương hàng ngày, điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin… để giảm ngứa và nhiễm khuẩn. Đến ngày 10/5, vết thương của trẻ đã sạch hơn, đỡ ngứa và khó chịu hơn so với trước khi vào viện.

BS Nguyễn Thị Thảo Nhi, Khoa bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Đây là tình trạng thường gặp khi tiếp xúc với độc tố của con sứa. Do vết thương không được chăm sóc và điều trị đúng cách nên đã loét và lâu lành”.

Theo bác sĩ Nhi, nếu không điều trị kịp thời, các vết thương có nguy cơ loét sâu, tạo thành sẹo xấu sau này. Trong trường hợp không chăm sóc tại chỗ đúng cách dễ bội nhiễm, vết thương có thể bị áp-xe hoá, vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn máu cho trẻ.

Với trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ Nhi cho biết khoảng 1-2 tuần sau bệnh nhi có thể xuất viện và điều trị tại nhà theo đơn thuốc bôi và thuốc uống do bác sĩ kê. Trẻ cần hạn chế cào gãi, còn gia đình cho trẻ tắm đúng sữa tắm, bôi thuốc, uống thuốc bác sĩ kê, không bôi đắp các loại thuốc khác không rõ nguồn gốc.

BSCK2. Nguyễn Thị Thanh Thùy. Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết các xúc tu của sứa khi tiếp xúc với cơ thể con người có tiết ra chất độc. Khi dính phải chất độc này, cơ thể sẽ có cảm giác ngứa nhiều, bỏng rát da tại vị trí tiếp xúc.

Bác sĩ Thùy khuyến cáo khi gặp phải sứa biển đốt cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi vùng có sứa, loại bỏ các xúc tu còn dính trên cơ thể bằng dụng cụ sạch. Trường hợp bệnh nhân bị mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi, tim đập nhanh, cần gọi cấp cứu ngay.

Với các trường hợp nhẹ hơn, sơ cứu bằng cách rửa sạch vết thương bằng chính nước biển, giấm hoặc baking soda… trong vòng từ 15-30 phút. Tuyệt đối không dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt vì nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt. Sau đó, cần băng bó vết thương lại, lưu ý tránh chà xát, cào gãi lên các tổn thương và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị đúng cách, tránh biến chứng sau này.

Bác sĩ Thùy cho hay vết thương do sứa đốt nếu được xử lý sớm và đúng cách sẽ lành sau vài ngày, không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, không ít trường hợp tự điều trị sai cách gây hậu quả nghiêm trọng, các vết loét tuy không lớn nhưng sâu, dễ để lại sẹo, hậu quả xấu hơn có thể dẫn đến hoại tử da, viêm xương rất nguy hiểm hoặc các biến chứng nhiễm trùng phải cắt lọc tổn thương, theo báo Sức Khỏe và Đời Sống.

Nguyễn Sơn