Trước tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến bệnh nhân phải chịu đau đớn, phải tự ra ngoài mua và không được bảo hiểm y tế thanh toán… Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng “bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo”.

kham chua benh
Nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 22/10, nói về ngành y tế, bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho biết hiện nhiều người dân phản ánh đi vào bệnh viện quá thiếu thốn, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân phải chịu đau đớn, phải tự ra ngoài mua và không được bảo hiểm y tế thanh toán.

“Chính phủ từng nói giải quyết nhưng giải quyết thế nào thì chưa thấy nói, trong khi hệ thống y tế đang có vấn đề rất nghiêm trọng”, bà Lan cho hay.

pham khanh phong lan
Bà Phạm Khánh Phong Lan. (Ảnh: quochoi.vn)

Trong khi đó, theo bà Lan, hiện kiềng “ba chân” của ngành y là y tế cơ sở; y tế điều trị và cung ứng dược; trang thiết bị vật tư y tế “đều yếu”.

“Nói thẳng để Bộ trưởng mới thấy là chị đang tiếp nhận gia tài thế nào. Vấn đề này tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, nên phải có nhìn nhận, phân tích về bảo hiểm y tế, cơ chế xã hội hoá y tế…”, bà Lan nói.

“Cứ kêu gào thiếu thuốc, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng chỉ đạo, nhưng gốc rễ vấn đề ở đâu? Về đãi ngộ nhân viên y tế đến giờ đã tăng được đồng nào chưa?”

“Nói y tế không phục vụ công lập thì ra bệnh viện tư, nhưng tư là phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công thì người dân thiệt thòi”, bà Lan nhận định.

Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo

Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nói thực trạng hơn 8 tháng qua, kể từ khi các bệnh viện tuyến trung ương và ngành y tế xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Chính phủ, các Bộ, Ngành “tổ chức rất nhiều cuộc họp” nhưng đến nay vẫn “chưa có sự thay đổi nào về mặt chính sách”.

“Tất cả nhân viên y tế ở Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang loay hoay không biết mua sắm như thế nào cho đúng… Hiện nhân viên y tế thời gian làm chuyên môn giảm đi rất nhiều mà tập trung vào mua sắm, đấu thầu, dẫn tới rất nhiều khó khăn”, ông Thức cho hay.

giam doc benh vien cho ray nguyen tri thuc
Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: covid19.gov.vn)

Theo ông Thức, không chỉ là thiếu thuốc mà tới đây là thiếu trang thiết bị y tế như các máy cao cấp xạ trị, CT. Đây là các loại máy gần như độc quyền, chỉ một hãng, một nhà phân phối. Ví dụ, máy CT của hãng A, bóng đèn 3 – 4 tháng phải thay, nhưng nếu làm hồ sơ thầu ghi mua của hãng A thì vi phạm vì là chỉ định thầu.

“Đấu thầu phải tham khảo 3 gói giá nhưng chỉ một hãng độc quyền thì lấy đâu ra 3 giá. Nên bây giờ các máy cao cấp ở các bệnh viện hư không tài nào sửa được. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nếu trang thiết bị y tế không được sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của bệnh viện, bệnh nhân không có máy để điều trị”.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đặt câu hỏi một khi máy CT dừng hoạt động thì bệnh nhân đi đâu? Bệnh nhân chỉ có hai lựa chọn, một là chịu, hai là ra bệnh viện tư. Thêm vào đó, bệnh viện công phải đi tìm một bệnh viện tư làm hợp đồng để người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế.

“Người có tiền không phải lo lắng, nhưng còn người nghèo thì quyền lợi nằm ở đâu. Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo”, ông nói.

Liên quan đến vấn đề cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc, trước ý kiến cho rằng bác sĩ chuyển từ công sang tư vẫn phục vụ người dân, ông Thức cho rằng điều này là đúng nhưng chưa đủ.

Bệnh viện tư khi mời một bác sĩ bệnh viện công thì chắc chắn bác sĩ đó là tinh hoa, bác sĩ giỏi. Người có điều kiện sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn người dân nghèo, như vậy không công bằng trong chăm sóc y tế, tạo sự mất bình đẳng chăm sóc y tế đối với người nghèo.

Ông Thức đề nghị Thường vụ Quốc hội “ra một nghị quyết để giải quyết tức thì những tình trạng của ngành y tế trong thời gian chờ đợi sửa tất cả các luật khác”.

Hoàng Minh