Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay việc thu hồi những dự án đất đai bị sai phạm là bất khả thi.

sai phạm đất đai Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa
Phối cảnh khu đô thị Đa Phước.

Truyền thông nhà nước hôm 30/6 đưa tin về buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng với người dân tại 5 quận.

Người dân đặt câu hỏi về việc người mua nhà, đất tại 3 dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) là Phú Gia Compound, Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước và dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng, An Cư 3 mở rộng (thuộc phường Phước Mỹ, Sơn Trà) sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào khi Đà Nẵng thu hồi đất?

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng không nói rõ ràng về việc người dân sẽ được hưởng quyền lợi gì, mà chỉ “than” rằng việc thu hồi những dự án “dính” đến sai phạm của Vũ “nhôm” đang mắc nhiều cái khó.

“Dự án Đa Phước bán rồi mà bảo thu hồi là rất khó thực thi. Hiện Đà Nẵng suốt ngày phải tiếp công dân đã mua đất tại dự án này và đến giờ đang rất lúng túng trong việc xử lý”, theo tờ Kinh tế đô thị.

Bí thư Đà Nẵng cho rằng những sai phạm đất đai trên là sai lầm của các lãnh đạo giai đoạn trước đã nghỉ hưu.

“Một quyết định sai, một quyết định nóng vội có khi phải giải quyết hậu quả hàng chục năm, thậm chí không bước ra nổi cái vòng luẩn quẩn đó”, ông Nghĩa nói trên tờ Thanh niên.

Vụ án Vũ “Nhôm” được hậu thuẫn trực tiếp từ cựu Chủ tịch Đà Nẵng là ông Văn Hữu Chiến và ông Trần Văn Minh. Hai cựu cán bộ này cùng phạm hai tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng ph픓Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Vụ án này đã gây thiệt hại cho nhà nước tới 22.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 5/2020, Tòa cấp cao Hà Nội đã tuyên ông Văn Hữu Chiến 10 năm tù (giảm 2 năm); ông Trần Văn Minh 17 năm tù và Vũ “Nhôm” tổng là 30 năm tù.

Một loạt các quan chức, lãnh đạo của các công ty bất động sản khác ở Đà Nẵng bị tuyên án từ 12 tháng đến 3 năm tù.

Sân vận động Chi Lăng cũng không ngoại lệ

Trả lời trước người dân về “tiến độ thu hồi sân vận động Chi Lăng”, ông Nghĩa nói thành phố đã bán sân vận động cho doanh nghiệp làm dự án, nhưng doanh nghiệp lại mang dự án đi thế chấp vay tiền của ngân hàng. Khi xử tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng, toà phán đấu giá đất dự án để hoàn tiền doanh nghiệp vay ngân hàng.

“Việc thực hiện phán quyết của tòa là khó khả thi”, ông Nghĩa nói và cho rằng Đà Nẵng vẫn còn cơ hội trả lại tiền khi bán đất cho doanh nghiệp, để lấy lại sân vận động Chi Lăng.

Thế nhưng, cơ hội đó có vẻ “mịt mùng” khi ông Nghĩa chốt lại rằng “không phải muốn là có thể thu hồi ngay, phải có quy trình thực hiện đúng luật”.

Sự kiện xẻ thịt sân vận động Chi Lăng diễn ra từ hồi năm 2010. Khi đó, thành phố muốn làm khu thương mại phức hợp tầm cỡ, nên đã bán sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm chủ đầu tư), với giá chỉ gần 1.400 tỷ đồng (mức giá được cho là “hời” trong bối cảnh đầu tư kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn).

Tập đoàn Thiên Thanh cam kết trong thời gian nhanh nhất sẽ triển khai đầu tư đúng tiến độ.

Thế nhưng, khu thương mại phức hợp chẳng thấy đâu, mà chỉ thấy hàng chục lô đất tại sân vận động này bị xẻ thịt, chuyển thành hàng chục “sổ đỏ” mang đi cầm cố ngân hàng.

Từ đó, sân vận động Chi Lăng trở thành “con nợ” của những khoản vay ngân hàng với giá trị hàng ngàn tỷ đồng.

Sau đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ dư luận vì đã quá dễ dãi trong việc bán nhà đất công.

Hoàng Minh