Cho hay căn cứ vào Luật An ninh mạng, Trung tướng Trần Hoài Trung – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, điều tra các tài khoản vu khống trong vụ “sinh viên Trường HUFLIT bị xâm hại”.

bi thu dang uy quan khu 7 de nghi khoi to vu thong tin sinh vien truong huflit bi xam hai 1
Quang cảnh buổi họp báo của Quân khu 7 và trường HUFLIT, chiều 12/1/2023. (Ảnh chụp màn hình/Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM – HUFLIT/Facebook)

Hơn 200.000 lượt tìm kiếm cụm từ “HUFLIT quân sự” được ghi nhận riêng trên trình duyệt Google ở Việt Nam, đứng top 1 trong ngày 11/1.

Ngoài ra, các hashtags #baovesinhvienHUFLIT, #HuflitNgungBungBit, #ngưng_tẩy_trắng, #không_im_lặng, #Huflit lan truyền mạnh trên mạng xã hội.

Chiều 12/1, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) và Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức họp báo, khẳng định thông tin lan truyền dữ dội trên mạng xã hội kể từ tối 11/1 về nữ sinh viên của trường bị xâm hại tình dục trong đợt học quân sự là sai sự thật.

Vào tối 11/1, trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo lan truyền thông tin nữ sinh viên của trường HUFLIT bị hiếp dâm tập thể vào tối ngày 10/1, tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN), Trường quân sự quân khu 7 (quận 12, TP.HCM). Sau đó, nữ sinh viên này đã nhảy lầu tự tử.

Kèm theo bài đăng, hai clip được lan truyền, trong đó một clip ghi lại tiếng hét thất thanh của người nữ, sau đó là tiếng quát của một giọng nam trầm, clip còn lại ghi cảnh một nhóm người đang khiêng một người (không rõ là nam hay nữ) từ ngoài sân đi vào hành lang một tòa nhà.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 nói tối 10/1, trong phòng nữ, một sinh viên phát hiện bị mất 1,4 triệu đồng. Một sinh viên tên N.T.H.H bị nghi ngờ lấy tiền. H. xô cửa ra ngoài, hét, khóc, cho rằng bị vu oan. Nghe tiếng hét, cán bộ quản lý đã chạy lên đưa sinh viên này xuống để trấn an tâm lý, gọi gia đình đến đưa em này về nhà chăm sóc.

bi thu dang uy quan khu 7 de nghi khoi to vu thong tin sinh vien truong huflit bi xam hai
Bài đăng đính chính thông tin trên trang Facebook của Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) về vụ “sinh viên bị xâm hại”. (Ảnh chụp màn hình/Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM – HUFLIT/Facebook)

Có hai nữ sinh viên có mặt tại buổi họp báo, trong đó một người được giới thiệu là người quay clip, một người được giới thiệu là bị mất tiền.

Người nhận mình là người quay clip được giới thiệu là sinh viên lớp 24 của trường HUFLIT đang học tại Trường Quân sự Quân khu 7. Cô này nói đêm 10/1 mình có ca gác từ 21h30 đến 23h tại tòa nhà đối diện. Khoảng 22h30, cô này này nghe tiếng la hét ở tòa nhà đối diện, nên đã lấy điện thoại quay lại, sau đó gửi cho ba bạn khác.

“Em quay được lúc bạn chạy ra la hét thật lớn. Vì tính tò mò nên trong đoạn video đó em có hỏi bạn gác chung với em là “hình như là hiếp dâm hả?” Em chỉ hỏi bạn chứ không xác thực thông tin. Khi kết thúc sự việc, em được thầy đính chính là bạn sinh viên đó bị trầm cảm. Vì các bạn khác đổ lỗi cho bạn ăn cắp tiền. Thực sự em không biết bạn có ăn cắp tiền thật hay không, nhưng vì có nhiều tác động từ các bạn đối với bạn sinh viên đó nên bạn có tâm lý bất ổn, bị kích động, chạy ra la hét đòi nhảy lầu. Các bạn khu bên đó đã ngăn lại…” – trích dẫn lời của nữ sinh viên lớp 24 tại buổi họp báo.

“Lúc khiêng bạn đó xuống, bạn đó vẫn chưa được bình tĩnh cho lắm nên các thầy mới đưa bạn vô văn phòng để trấn an bạn” – người này nói về clip tiếp sau.

“Không có một tiếng nói nào nói sự việc là gì cả. Tất cả là lồng ghép, là xuyên tạc, là bịa đặt của lực lượng phản động…”, Đại tá Sơn nói, cho hay cơ quan chuyên môn của quân đội đang làm việc với sinh viên quay clip, điều tra ai là người thêu dệt thông tin.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan cho rằng thông tin đã bị đẩy lên mức độ cao hơn qua lan truyền trên mạng xã hội, không loại trừ là chiến dịch truyền thông “bẩn” do một số đối tượng, phần tử phản động thực hiện nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân và hạ thấp uy tín, hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp của quân đội nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 7 nói riêng.

Trung tướng Trần Hoài Trung – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 – người chủ trì cuộc họp – đề nghị các cơ quan chức năng căn cứ Luật An ninh mạng, tiến hành khởi tố vụ án, điều tra làm rõ các tài khoản vu khống trong vụ “sinh viên Trường HUFLIT bị xâm hại” để xử lý.

Minh bạch là gì?

Giảng dạy và nghiên cứu ngành Giao tiếp và Quản trị đa văn hóa, PGS. TS Nguyễn Phương Mai (Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) đã bày tỏ quan điểm về thông tin “sinh viên Trường HUFLIT bị xâm hại” trên trang Facebook cá nhân ngày 12/1: “Không phải sự man rợ trong câu chuyện của tin đồn mà sự nghi ngờ (người viết nhấn mạnh – chú thích) mới chính là dầu đổ lửa. 

Nghi ngờ tạo ra võ đoán. Võ đoán có thể tạo ra những câu chuyện xa rời sự thật nhất. Việc mất lòng tin sẽ khiến kể cả khi chính người trong cuộc lên tiếng thì thiên hạ vẫn có thể nghi ngờ rằng nạn nhân đã bị thao túng.”

Theo nữ giảng viên, giải pháp để tránh sự việc đi quá xa là minh bạch thông tin. Tuy nhiên, minh bạch thông tin không đồng nghĩa với xóa thông tin, mà phải kèm “đính chính” và “xin lỗi”, cũng không phải là “xuất hiện các lời khuyên và yêu cầu phải bảo vệ uy tín, phải giữ danh dự, trật tự cho một tổ chức nào đó”.

“Minh bạch là có một cuộc điều tra về sự việc, tốt nhất là do bên thứ ba có chuyên môn (trong trường hợp này là về an toàn giới và phụ nữ) đảm nhiệm” – bà Mai đưa ra ý kiến, trong đó, các bước của cuộc điều tra cần đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, cũng như bảo mật danh tính, tránh sức ép quyền lực cho các nạn nhân (nếu có).

Từ đó, bà Mai cho hay “minh bạch không chỉ là một cuộc họp báo tuyên bố, mà là một văn hóa, một quá trình nhận thứcchuỗi hành động (người viết nhấn mạnh – chú thích)”.

Nguyễn Sơn