Tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Nam sáng 8/12, người đứng đầu khối đảng tại tỉnh Quảng Nam hỏi: Cây keo có phải nguyên nhân chính gây sạt lở ở miền núi, có thể chuyển đổi rừng sản xuất thành rừng phòng hộ?, bất kể tỉnh này đã thông qua tới 1.391 danh mục dự án, công trình trong năm 2019, lấy vào hơn 150 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

sat lo quang nam 1
Đất chảy trong một vụ sạt lở ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam trong bão số 10, tháng 9/2020. (Ảnh: Đình Hiệp/taygiang.quangnam.gov.vn)

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: Sau những đợt bão lũ vừa qua xảy ra tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng cây keo là nguyên nhân gây sạt lở ở khu vực miền núi thời gian qua. Và có thể chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ được không?

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PT tỉnh Quảng Nam cho hay cần có nghiên cứu khoa học, không thể trả lời ngay được rằng cây keo có phải là nguyên nhân chính gây ra sạt lở ở vùng núi hay không. Ông Tích nói rằng vừa qua, các nhà khoa học, chuyên gia đã có những ý kiến đưa ra nhiều nguyên nhân gây sạt lở núi ở Quảng Nam, nhưng có thể thấy nguyên nhân trực tiếp xảy ra sạt lở núi là do cường độ mưa quá lớn.

“Những khu vực ở Quảng Nam bị sạt lở vừa rồi, nếu nói trồng keo là nguyên nhân chính thì cũng nên xem lại. Bởi những khu vực miền núi cao ít có diện tích trồng keo. Chúng ta thường thấy keo được trồng ở những vùng núi thấp”, ông Tích nói.

Về tình trạng phá rừng, ông Tích dẫn ra nhiều nguyên nhân trong đó cho rằng một phần do lực lượng kiểm lâm vừa thiếu, yếu về sức khỏe, chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu…

Ông Tích nói thêm hiện nay đã có kết quả nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm những khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng núi cao như huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn; rằng UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ sớm có tọa đàm để đánh giá các nguyên nhân sạt lở vùng núi, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

Nói về việc khu vực sạt lở là khu tái định cư, ông Tích nói đã đề xuất sắp tới việc hỗ trợ di dời, sắp xếp chỗ ở cho dân cư miền núi cần phải có nghị quyết nghiêm ngặt trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chứ không thể làm những khu tái định cư và di dời dân đến những chỗ mà đáng ra có sự cảnh báo về nguy cơ sạt lở.

Còn việc chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ thì “lâu nay chưa có việc này, vì một số nguyên nhân khác nhau, nhưng nhu cầu chuyển sang rừng phòng hộ dĩ nhiên là cần thiết. Những cái này ngành sẽ nghiên cứu các giải pháp để sau này có thể tham mưu cho UBND, HĐND những khu vực có thể chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ”, ông Tích nói.

Cùng vấn đề trên, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có phát ngôn: “Hiện nay, chúng tôi đang tư duy lại, nghiên cứu lại việc trồng rừng như thế nào. Chúng tôi đang chỉ đạo phát triển rừng bền vững, và sẽ dần dần chuyển đổi một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao chuyển sang trồng các loại cây ăn trái lâu dài.”

Vào tháng 12/2018, UBND tỉnh trình và HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết số 40, chấp nhận 1.391 danh mục dự án, công trình trong năm 2019 với tổng diện tích đất thu hồi là 5,295.00 ha.

Trong đó, 1.187 danh mục sử dụng vốn ngân sách nhà nước lấy 117,08 ha đất rừng phòng hộ, 28,14 ha đất rừng đặc dụng, còn lại là đất chuyên trồng lúa nước (191,93 ha), đất trồng lúa nước (42,69 ha)

204 danh mục sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước lấy 1,63 ha đất rừng phòng hộ, 4 ha đất rừng đặc dụng, chủ yếu lấy vào đất chuyên trồng lúa nước (198,54 ha), đất trồng lúa nước (16,43 ha). 

Nghị quyết này hiện vẫn còn hiệu lực thực hiện.

Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, từ ngày 1/7/2014 đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện 936 dự án đầu tư, phải thu hồi hơn 2.394ha đất, trong đó, 1.214ha đất nông nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 10/11/2020, chỉ riêng do sạt lở đất tại tỉnh Quảng Nam, 25 người đã chết, 46 người bị thương, 23 người mất tích. Một số dấu ấn kinh hoàng như vụ sạt lở san phẳng một ngôi làng ở Trà Leng, Nam Trà My; sạt lở vùi lấp 11 người ở Phước Lộc; sạt lở khiến 8 người cùng tử vong ở Trà Vân…

Thương vong do sạt lở vẫn tiềm ẩn khi trước trận mưa ngày 11/11, chính quyền tỉnh thông báo có 93 điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, tại các thôn, bản, khu, cụm dân cư, điểm trường, trạm y tế… ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang…

Nguyễn Quân

Xem thêm: