“Dịch bệnh lâu quá làm chúng ta bị động và không thực hiện được như kế hoạch ban đầu đặt ra. Ta còn hạn chế trong dự báo, phân tích tình hình, đánh giá, xây dựng triển khai kịch bản trong phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế – xã hội ngắn và dài hạn” – Bí thư Thành ủy TP.HCM – ông Nguyễn Văn Nên nói khi đề cập tới việc kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. 

nguyen van nen
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị ngày 14/10. (Ảnh: Huyền Mai/ttbc-hcm.gov.vn)

Phát ngôn trên được ông Nên đưa ra khi phát biểu kết luận trong Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 9, khóa XI, chiều 14/10, truyền thông trong nước đưa tin.

Ông Nên cho hay trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra nghiêm trọng, khó lường buộc TP phải giãn cách xã hội thời gian dài. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều chỉ số kinh tế giảm sâu, nhất là chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98%. Chỉ một số chỉ tiêu đạt kết quả khá là tỷ lệ thu ngân sách nhà nước [thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM ước đạt hơn 279.000 tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán, theo báo cáo của Cục Thống kê].

Theo ông Nên, qua thử thách COVID-19, toàn hệ thống chính trị bộc lộ hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém, do vậy cần nghiêm túc đánh giá, tìm giải pháp.

Ngoài nguyên nhân khách quan là tác động của đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, còn những nguyên nhân chủ quan. “Không phải cái gì cũng đổ cho dịch COVID-19, như vậy là oan cho dịch”, ông Nên đưa ra phát ngôn, theo Doanh nghiệp và Tiếp thị.

Theo ông Nên, có lúc, có nơi công việc chậm trễ theo kế hoạch, bị động, nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tính toán xử lý tình huống cụ thể.

“Dịch bệnh lâu quá làm chúng ta bị động và không thực hiện được như kế hoạch ban đầu đặt ra. Ta còn hạn chế trong dự báo, phân tích tình hình, đánh giá, xây dựng triển khai kịch bản trong phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế – xã hội ngắn và dài hạn”, ông Nên nói.

Về tình hình dịch bệnh, ông Nên cho hay sắp tới TP sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng ngừa dịch COVID-19 đợt 4 tại TP.HCM. Ông Nên cho rằng trong đợt dịch, TP lúng túng vì thiếu chiến lược nên cần chuẩn bị những tình huống cụ thể để diễn tập.

“Lần trước chúng ta bị động, lúng túng vì thiếu chiến lược, thiếu kịch bản”, ông Nên nói, Vnexpress dẫn tin. Do đó, ông Nên cho rằng lần này TP phải chuẩn bị kế hoạch, đưa ra những tình huống diễn tập phòng khi tình huống xảy ra, đồng thời TP cần chuẩn bị một số đội lưu động đủ lực lượng, thiết bị y tế sẵn sàng ứng phó.

“Những nơi có nguy cơ thành ổ dịch lớn, phải có lực lượng dập tắt ngay, không để lây lan gây quá tải y tế như trước. Chuẩn bị thuốc, vắc-xin, test nhanh để sẵn sàng thực hiện khi cần thiết”, ông Nên nói.

Đây không phải lần đầu tiên Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ ra nguyên nhân chủ quan, từ hệ thống quản lý, đối với những thiệt hại về người và của trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 4, với tâm dịch tại TP.HCM.

Chiều 12/10, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Nên thừa nhận giới chức TP đã bị động, tình hình y tế bị mất kiểm soát một thời gian dài khi dịch bùng phát và lan rộng tại TP.

Theo lời ông Nên, sau 2 ca dương tính COVID-19 đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (26/5), “chùm dịch bùng phát, TP tiến hành xét nghiệm, truy vết không kịp do lúc đó sử dụng “vũ khí chậm PCR” không còn hiệu quả. Dù tập trung lấy số lượng mẫu lớn, có ngày lấy 40.000 mẫu nhưng năng lực trả kết quả chỉ khoảng 10.000. Kết quả xét nghiệm phải chờ đợi 24-48 giờ, có lúc kẹt máy phải 7 ngày mới trả, khi đó kết quả không còn giá trị” – Tuổi Trẻ dẫn tin.

TP có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu, ông Nên nêu.

Đó là về việc xét nghiệm. Về điều trị, ông Nên thừa nhận TP khẩn cấp truy vết F0, gom F0 lại song không có thuốc điều trị.

“Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”.

“Nút thắt” chỉ được tháo khi có vắc-xin và kit test nhanh được phân bổ cho TP, theo ông Nên. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 (ngày 6/8), giao TP.HCM hoàn tất kiểm soát dịch COVID-19 trước ngày 15/9. TP đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. Trung ương cho áp dụng các biện pháp khẩn cấp (đưa lực lượng quân đội, công an tăng cường vào TP) nhưng không tuyên bố “tình trạng khẩn cấp”.

Theo công bố gần nhất của TP.HCM, tại họp báo chiều 11/10, tính đến 18h ngày 10/10, có 410.671 trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại TP.HCM. Tổng số ca xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm trên là 232.923 người, 15.832 người đã tử vong, theo số liệu cộng dồn cùng thời điểm.

Cũng tại thời điểm trên, TP còn 15.198 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có 1.141 trẻ em dưới 16 tuổi, 533 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

‘Tháo chạy để sống’ – cơn khủng hoảng ‘nằm ngoài mọi kịch bản’ hay đã bị ủ từ lâu?