Ranh giới đất quốc phòng, đất nông nghiệp tại Đồng Sênh vẫn còn là điều cần làm rõ. Sự biến Đồng Tâm rồi sẽ kết thúc. Nhưng diễn biến ra sao thì là điều chưa thể lường hết, khi chính quyền đã bác bỏ khiếu nại, thậm chí cáo buộc tư cách của người khiếu nại…

vụ đồng tâm, sân bay miếu môn, lê đình kình
Bản đồ đất sân bay Miếu Môn lập năm 1992 được công bố tại cuộc họp chiều 27/8. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Cuộc họp báo ‘một chiều’

Chiều 27/8, giữa khi dư luận tập trung sự chú ý vào vụ việc cháu bé tử vong tại trường Gateway, có một buổi họp báo diễn ra, do UBND TP Hà Nội tổ chức, cung cấp thông tin về một số nội dung trong kết luận của Thanh tra TP Hà Nội tháng 7/2017 về quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Buổi họp báo có mặt đại diện của UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên không có người dân Đồng Tâm nào được tham dự.

Về kết luận thanh tra tháng 7/2017, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc tiến hành thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Các kết luận của Thanh tra TP cũng đúng luật và chính xác. Thanh tra Chính phủ khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Tổng diện tích sử dụng là 236,7 ha, tăng 28,7 ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113 ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ.

Diện tích tăng thêm này nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 xây dựng sân bay Miếu Môn, do Nông trường quốc doanh Lương Mỹ bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh (sau khi trừ đường giao thông 2,5 ha và sai số do đo đạc 0,7 ha).

Trong diện tích 236,7 ha có 64,03 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.

Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ diện tích đất cơ bản phù hợp với diện tích đất các tổ chức đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh. Quá trình đo đạc ở các thời điểm có sai số không lớn, chủ yếu do trừ đường giao thông chạy qua, không làm ảnh hưởng tới việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Về việc ông Kình chưa đồng tình với kết luận thanh tra của TP Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay ông Kình không nằm trong số 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng tại Đồng Tâm nên không có quyền khiếu nại kết luận thanh tra, vì không phải đối tượng cuộc thanh tra. Ông Kình chỉ có quyền phản ánh kiến nghị và tố cáo.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung kiến nghị của ông Kình và một số người dân ở Đồng Tâm về 59 ha đất nông nghiệp là “không có cơ sở”.

Sắp tới Bộ Quốc phòng xây dựng tường rào để bảo vệ công trình quốc phòng ở sân bay Miếu Môn, Thanh tra Chính phủ dự kiến đối thoại với người dân Đồng Tâm để họ ủng hộ thực hiện dự án quốc phòng – ông Thanh nói, nhưng chưa cho biết thời điểm cụ thể.

Đáng lưu ý, tại buổi họp báo, thông tin phán định về người khiếu kiện đất đai được đưa ra đồng thời với những thông tin kết luận thanh tra.

Báo Vnexpress (28/8/2019) đăng video dẫn nguyên văn lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói tại buổi họp báo:

“Chúng tôi có thể khẳng định với những thông tin chúng tôi đang có, có một bộ phận những đối tượng cơ hội lợi dụng dự án của Bộ Quốc phòng triển khai ở đây hướng tới mục tiêu xem chính quyền thành phố có bồi thường đất đai ít nào hay hỗ trợ hoa màu hay không. Bản thân ông Kình cũng có huy động tiền đóng của một số đối tượng ở xã Đồng Tâm để tham gia khiếu kiện, lợi dụng khiếu kiện muốn trục lợi. Gây sức ép với chính quyền xã, huyện, thành phố để mục tiêu là xem có được bồi thường, hỗ trợ thêm hay không”.

Ông Chung cho hay cơ quan công an vẫn đang thu thập các tài liệu, cần thiết sau này “sẽ xử lý các đối tượng ngoan cố”.

Ranh giới của niềm tin

Báo Vnexpress (ngày 28/8/2019) dẫn lời ông Lê Đình Kình cho hay đồng tình với ý kiến của Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói ông không nằm trong 14 hộ dân sử dụng đất quốc phòng. Ông Kình cho hay “không khiếu nại về khu đất liên quan đến 14 hộ dân này mà khiếu nại về diện tích đất nông nghiệp 59 ha xứ Đồng Sênh”. 

“Tôi thu tiền một số hộ dân nhằm chi trả kinh phí cho luật sư để bảo vệ quyền lợi của người dân”, ông Kình nói và bày tỏ mong muốn Thanh tra Chính phủ về Đồng Tâm trực tiếp đối thoại với các bên liên quan.

Một vụ việc tranh chấp đất đai xuất phát từ quy hoạch những năm 1980, kéo dài gần 40 năm, dẫn đến cuộc bắt giữ “con tin” đình đám, và kết thúc bằng những tuyên bố đơn phương từ phía chính quyền, cho thấy quyền sở  hữu đất đai vẫn là một trong những điểm huyệt của hệ thống chính trị. Nhà nước không thừa nhận “quyền sở hữu tư nhân” hay “tư hữu” về đất đai, “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này” (Luật Đất đai 2013).

Với biến cố Đồng Tâm, tuy khởi nguồn từ tranh chấp giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp, song diễn biến lại được dẫn dắt theo con đường người dân tin tưởng hay thất vọng. Sự biến bắt giữ 38 người cũng để đáp trả lại việc chính quyền bắt giữ 4 người dân, thả người cũng để đáp lại việc chính quyền cam kết xử lý theo quy định của pháp luật.

Bước ngoặt ngày 24/4/2017 rõ ràng được tạo nên trên cơ sở lòng tin. Bản cam kết 3 điểm viết tay của Chủ tịch UBND TP Hà Nội sau đó được phân tích là không có giá trị pháp lý, khi ông Chung không có quyền can thiệp vào hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, tính chất chưa từng có tiền lệ của sự biến giữ người-đối thoại-cam kết tại Đồng Tâm khiến công chúng hồ hởi tin rằng điều gì cũng có khởi đầu.

Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 13/6, Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người thi hành công vụ. Tiếp đến tháng 7, Thanh tra TP Hà Nội công bố kết luận: “Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”. 

Trong hai năm từ 2017-2019, ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội.

Thế nhưng, tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 27/8/2019, Thanh tra Chính phủ khẳng định lần 2 nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội là chính xác. Chính quyền TP tiến thêm một bước nữa khi phản bác lại tư cách khiếu kiện của người dân Đồng Tâm, tuyên bố “một số người khiếu kiện để trục lợi ở Miếu Môn, trong đó có ông Lê Đình Kình”.

Phủ định tư cách khiếu kiện, thậm chí tuyên bố sẽ có can thiệp hình sự – là một bước ngoặt khác của biến cố Đồng Tâm, tuy nhiên, không theo chiều hướng gây dựng niềm tin như đã định.

Không phải Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung không biết phát ngôn trên sẽ đặt dấu chấm hết cho lòng tin đặt cược trên tư cách Chủ tịch TP Hà Nội. Phủ định tính chính danh của việc khiếu nại, phủ định tư cách của người dẫn dắt khiếu nại cũng là chỗ dựa tinh thần – điều này cho thấy ông Chung đã chủ trương cắt mất con đường đối thoại với dân, cũng đặt nghi ngờ về một mục tiêu khác, cao hơn, cần “đánh đổi” của người đứng đầu chính quyền thành phố.

vụ đồng tâm, sân bay miếu môn, lê đình kình
3 cam kết của Chủ tịch TP Hà Nội với người dân xã Đồng Tâm, ký ngày 22/4/2017. (Ảnh: plo.vn)

Tính đến nay, cam kết thứ 3, chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho ông Kình, xử lý theo pháp luật cũng chưa từng được chính quyền tuyên bố thực hiện.

Sự biến Đồng Tâm rồi sẽ kết thúc. Nhưng diễn biến ra sao thì là điều chưa thể lường hết, khi chính quyền đã bác bỏ khiếu nại, thậm chí cáo buộc tư cách của người lãnh đạo tinh thần của dân trong việc đệ đơn khiếu nại, còn người dân tuyên bố đã tìm ra một số manh mối và kiên trì yêu cầu đối thoại. Ngay cả khi vụ việc có vẻ bị “chìm” sau 2 năm, diễn biến vụ Đồng Tâm vẫn cần nên lưu tâm khi lá bài “đặt niềm tin” đã lật.

Đáng buồn thay, như bất kỳ cuộc tranh chấp đất đai nào xảy ra gần đây, sự biến Đồng Tâm có chung mẫu số với nhiều vụ tranh chấp khác khi ngày càng bị đẩy lên tới mức độ quyết tử của người dân, như vụ nổ súng tại Đắk Nông, Thủ Thiêm 20 năm khiếu kiện

Công luận thờ ơ là một yếu tố khác khiến mâu thuẫn về quyền sở hữu đất đai đẩy lên cao và kéo dài dai dẳng. Nhưng trở ngược lại, sự thờ ơ này một phần bị chi phối theo diễn biến truyền thông, cũng như sự lưu tâm của công chúng bị bào mòn theo thói quen tư duy xuất phát từ nền giáo dục kém phản biện. Phản kháng mang tính cục bộ là một đặc điểm giải quyết mâu thuẫn trong xã hội Việt hiện tại, dù nhiều trường hợp đặc biệt mạnh mẽ. Cũng không chỉ trong vấn đề tranh chấp đất đai, mà còn ở vùng ô nhiễm môi trường trầm trọng, các vụ án oan…

Sơ lược diễn biến vụ Đồng Tâm

Tháng 11/2016, tranh chấp giữa dân Đồng Tâm và chính quyền bắt đầu căng thẳng khi UBND huyện Mỹ Đức căng dây khắp khu vực 59 ha ở tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển ‘Vùng cấm – Khu vực quân sự'”.

Người dân cho rằng 59 ha này là thuộc đất nông nghiệp của họ trong khi chính quyền địa phương lại cho rằng đây là đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng và đòi thu hồi để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.

Tháng 2/2017, người dân thu dây, nhổ biển báo “Khu vực quân sự” và đưa máy móc vào canh tác. Đáp lại, giới chức huy động hàng trăm công an, cảnh sát, an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến.

Ngày 15/4/2017, người dân Đồng Tâm được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để ‘làm việc’ bị cưỡng chế đưa về Hà Nội, trong đó có ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Kình. Ngay sau khi 4 người xã Đồng Tâm bị bắt về hành vi gây rối trật tự công cộng, người dân xã Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người, gồm cán bộ và cảnh sát cơ động, yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội.

Vụ việc gây chú ý tới truyền thông quốc tế. Tờ Times (Mỹ) dẫn lại thông tin từ hãng AFP (Pháp) cho biết các lối vào làng bị phong tỏa, còn cảnh sát cũng vây quanh khu vực, truyền thông không tiếp cận tự do được. Trong khi đó, AP cũng dẫn lại lời người dân từ báo trong nước Vnexpress: “Mong muốn của dân làng là đất thu hồi của chúng tôi phải được xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

Một tuần sau, ngày 22/4/2017, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải về Đồng Tâm thực hiện đối thoại. Tại đây, ông Chung ký vào bản cam kết viết tay, cam kết 3 điều, trong đó: làm rõ khu đất Đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp; không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm; chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho ông Kình, xử lý theo pháp luật. Đổi lại, chính quyền được “trả người”, vụ căng thẳng có khoảng nghỉ.

Ngày 13/6/2017, Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người thi hành công vụ.

Ngày 25/7/2017, Thanh tra TP Hà Nội công bố kết luận: “Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”.

Từ năm 2017-2019, ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội, khẳng định 59 ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm nhiều đời, không phải đất quốc phòng. Mảnh này tiếp giáp với mảnh 47,36 ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.

Ngày 26/3/2018, quân đội cho đào hào quanh khu 47,63 ha.

Ngày 25/4/2019, Thanh tra Chính phủ họp báo khẳng định nội dung kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) của Thanh tra Hà Nội là chính xác.

Ngày 27/8/2019, UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ họp báo cung cấp thông tin về một số nội dung trong kết luận của Thanh tra thành phố tháng 7/2017 về quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm.

Thanh tra Chính phủ khẳng định các kết luận của Thanh tra TP cũng đúng luật và chính xác; toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định “một số người khiếu kiện để trục lợi ở Miếu Môn, trong đó có ông Lê Đình Kình”.

Xuân Tường

Xem thêm: