Vùng áp thấp ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

vùng áp thấp, biển đông
Vị trí của vùng áp thấp. (Ảnh: nchmf)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 29/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,0-17,0 độ Vĩ Bắc; 116,0-117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông.

Dự báo trong 24h tới, vùng áp thấp ít dịch chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 30/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa dông mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,0-3,0m; biển động.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 31/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên nên từ ngày mai (30/7) ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,0-3,0m. Biển động.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh ở vùng biển phía Nam: cấp 1.

Minh Long

Xem thêm: