NXB Giáo dục Việt Nam có hai quyết định chi thù lao hàng tháng cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM.

quyet dinh 778
Quyết định 778 năm 2015.

Cụ thể, theo quyết định số 778 vào năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho 11 người của Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, gồm: ông Lê Hồng Sơn, giám đốc (trưởng ban), phó giám đốc (phó trưởng ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, hai phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn này.

Theo đó, mức chi được áp dụng cho trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, phó trưởng ban 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên là 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1/5/2015, nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam.

quyet dinh 04
Quyết định số 04.

Đến năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục có quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban Chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam.

Theo đó, số thành viên của ban chỉ đạo này vẫn là 11 người của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong đó ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở vẫn là trưởng ban. Phía NXB Giáo dục Việt Nam có 9 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên là đồng trưởng ban.

Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của sở GD-ĐT TP.HCM.

Mức thù lao của năm 2018 vẫn giữ nguyên như năm 2015. Riêng nhóm nhóm hỗ trợ thì mức thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đảm nhiệm chi lần này là NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM.

Trước việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM để làm SGK, dư luận lo ngại sẽ xảy ra việc thiếu công bằng, khách quan trong lựa chọn SGK, có lợi ích nhóm, giáo viên sẽ bị khống chế quyền chọn sách,…

Về vấn đề này, NXB Giáo dục Việt Nam giải thích việc chi thù lao này thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.

Theo đó, NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo.

Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB Giáo dục cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình

Bộ SGK mà Ban chỉ đạo biên soạn Bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện là bộ sách “Chân trời sáng tạo”.

Trước đó, tại hội thảo về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Lê Hồng Sơn cho biết Sở giáo dục đã sớm chọn cử đội ngũ chuyên viên, giáo viên cùng tham gia với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách “Chân trời sáng tạo”.

Ông Sơn cho hay đây là kết quả của ngành giáo dục thành phố sau nhiều năm cùng phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam nghiên cứu các chương trình mới, tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về đổi mới phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ nhà giáo cũng như hợp tác biên soạn nhiều tài liệu bổ trợ.

Ông Sơn cũng khẳng định: “Bộ sách này là sản phẩm không chỉ mang yếu tố khoa học, là tinh hoa nền giáo dục miền Nam. Bộ sách cũng mang những phong vị của người dân Nam bộ: hào sảng, cởi mở, gần gũi, chân tình và hiện đại”.

Trao đổi trên Diễn đàn của VOV2 mới đây, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng để chiếm lĩnh thị phần sách giáo khoa, những nhà xuất bản có tiềm lực lớn sẵn sàng hạ giá sách lớp 1, chấp nhận chịu lỗ để loại các đơn vị khác ra khỏi cuộc cạnh tranh.

Thậm chí có nhà xuất bản đã chi lương cho Giám đốc Sở Giáo dục cùng các chuyên viên suốt từ năm 2015 đến nay với mức 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Chi tiền như thế thì làm sao Sở đó có thể chọn sách giáo khoa một cách khách quan được?” – GS Thuyết tiết lộ.

Văn Duy

Xem thêm: