Thông tin trên do GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều nay 27/6.

covid 19 binh phuoc 1
Tại Việt Nam, hiện vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỷ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA2 của chủng Omicron (biểu hiện lâm sàng nhẹ). (Ảnh: baobinhphuoc.com.vn)

Ông Lân cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở Việt Nam.

Theo ông Lân, điều này đã được cảnh báo trước đó, việc xâm nhập chủng mới là tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh tế, thực hiện bình thường mới. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của các biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Lân nói.

Ông Lân cho hay biến thể BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1/2022. Qua các giai đoạn dịch bệnh, có thể thấy dịch trở nên nặng hơn với các biến thể lây lan nhanh kèm tăng nguy cơ nhập viện (như biến thể Delta), khi các chiến lược áp dụng trong các đợt dịch trước phát huy hiệu quả không cao như mong đợi.

Ông Lân nói hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Dù vậy, để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ.

Tại Việt Nam, hiện vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỷ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA2 của chủng Omicron (biểu hiện lâm sàng nhẹ).

“Hiện số mắc ghi nhận chủ yếu ở phía Bắc (cao gấp 10 lần phía Nam), miền Trung cao gấp 2 lần khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các tỉnh đều ghi nhận xu thế giảm”, GS Lân nói.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch. Đồng thời, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng.

Tại châu Âu, biến thể phụ BA4, BA5 đã ghi nhận ở nhiều nước và làm gia tăng số ca mắc trong những tuần gần đây. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin, giám sát trọng điểm…

Mới đây, Bộ Y tế đã có dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng dịch COVID-19, lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.

Theo Bộ Y tế, hiện tỷ lệ tử vong/mắc giảm mạnh, từ 1,03% trong tháng 1/2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5/2022. Gần đây cả nước ghi nhận 1.000 ca/ngày.

Việt Nam đã phủ đủ hai mũi vắc-xin cho gần 80% dân số, trong đó cơ bản phủ đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Nhóm trẻ từ 5 tuổi sẽ hoàn thành tiêm trong tháng 6.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế cũng đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.

Minh Long