Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ quặng titan đã chồng chéo với các quy hoạch phát triển du lịch, năng lượng tái tạo và phát triển rừng… tại Bình Thuận.

khai thác titan
 Tính đến đầu năm 2019, 50% khu vực khai thác titan đã khai thác xong nhưng vẫn chưa phục hồi môi trường (chưa hoàn thổ). (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của các bộ ngành trung ương (chiều 21/9), ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng việc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan đang tạo nên một số “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Theo ông Hai, các quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan đã chồng chéo với các quy hoạch phát triển du lịch, năng lượng và phát triển 3 loại rừng…

Ông Hai cho hay có 51 dự án thuộc lĩnh vực du lịch và năng lượng tái tạo đã xin đăng ký đầu tư, được tỉnh thống nhất hoặc chấp thuận chủ trương. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tổng diện tích hơn 15.000 ha của các dự án này điều nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ titan. Vì vậy, các dự án này chưa thể triển khai đầu tư xây dựng.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Thuận cho biết đã nhiều lần gửi văn bản văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Vũ Đại Thắng đồng tình với việc cần tháo gỡ điểm nghẽn chồng lấn, xung đột quy hoạch sa khoáng titan.

khai thác titan
Khu vực mỏ titan ở Hòa Thắng, Bắc Bình. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng (GRDP) khá, tuy nhiên hạn chế là phát triển chưa vững chắc, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp…

Chồng lấn quy hoạch sa khoáng, titan với các quy hoạch khác gây “điểm nghẽn” cho môi trường đầu tư. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung cả nước. Lực lượng lao động qua đào tạo còn ít, nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Một số vấn đề bức xúc chưa được giải quyết căn bản như tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thời điểm còn diễn biến phức tạp, việc xử lý tình huống phát sinh còn lúng túng.

Theo đó, ông Bình yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh nhanh chóng tháo gỡ các vấn đề về chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan, hạ tầng giao thông, quá tải hệ thống truyền tải điện… Đối với riêng “điểm nghẽn” quy hoạch sa khoáng titan, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát và báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ vấn đề này, trước mắt là 4 dự án du lịch trọng điểm.

Ngoài ra, yêu cầu tỉnh tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường và quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững; đặc biệt giám sát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; củng cố quốc phòng an ninh, giải quyết tốt các vấn đề khiếu kiện; chú ý làm tốt việc tiếp dân, không để dân bức xúc kéo dài.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan (Quyết định số 1546/QĐ-TTg), trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan khoảng 650 triệu tấn.

Trong đó, tại tỉnh Bình Thuận ước tính khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng, tài nguyên của cả nước. Tổng diện tích đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác titan đến năm 2020 là 26 khu vực, tổng diện tích 19.527 havới trữ lượng, tài nguyên 133,3 triệu tấn.

Đến đầu năm 2019, nhiều khu vực mỏ doanh nghiệp đã khai thác titan xong nhưng chưa phục hồi môi trường (chưa hoàn thổ), vì thế Nhà nước vẫn chưa tiếp nhận diện tích đất đã khai thác khoáng sản.

Theo khảo sát của tỉnh vào cuối năm 2018, có 14 khu vực được Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh cho phép khai thác, thu hồi khoáng sản trước năm 2010 trên diện tích các dự án phát triển du lịch; 1 khu vực khai thác titan quy mô công nghiệp được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép khai thác (mỏ titan Suối Nhum, diện tích 181,5 ha, đã hết hạn khai thác, chưa lập xong đề án đóng cửa mỏ để gửi về Tổng cục Địa chất khoáng sản xem xét).

Trong 13 khu vực khai thác titan do UBND tỉnh cấp phép đã được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, 7 khu vực đã thực hiện xong đề án đóng cửa mỏ, đang làm thủ tục bàn giao đất cho các dự án phát triển du lịch. 6 khu vực còn lại được kiểm tra nhưng thiếu hồ sơ thủ tục nên chưa được nghiệm thu đóng cửa mỏ.

Việc khai thác titan bị phản ánh không an toàn mỏ; gây ô nhiễm môi trường đất; cạn kiệt, ô nhiễm nước ngầm; công nghệ khai thác lạc hậu… Một số doanh nghiệp khai thác bị phản ánh chưa đúng thiết kế mỏ được phê duyệt; lập bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản chưa đầy đủ thông tin; sử dụng đất làm bãi thải khi chưa thực hiện thủ tục thuê đất.

Nguyễn Quân

Xem thêm: