Hai nguyên Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận vừa bị khởi tố sau khi bị xác định chịu trách nhiệm chính trong vụ án hủy hoại hơn 64 ha rừng khi đương chức. 

pha rung tong giam doc cong ty lam nghiep binh thuan
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận tại hội nghị Đại hội Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 5/2020. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Ngày 22/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm rời khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Tiến Dũng (61 tuổi, trú phường Phú Trinh, TP Phan Thiết) nguyên Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Hoàng Cẩn (chưa rõ năm sinh, nơi cư trú), nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận về hành vi “hủy hoại rừng”, tại khoản 3 Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Hai bị can trên bị khởi tố trong vụ án phá rừng xảy ra tại tiểu khu 279, thuộc rừng Hàm Cần ( xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam). Vụ án đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố vào ngày 26/10/2017, song bị kéo dài do các cơ quan tố tụng không thống nhất quan điểm, đến nay mới được phục hồi điều tra.

Theo kết luận điều tra, năm 2011, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận với danh nghĩa “cải tạo” rừng đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phước Sang hợp tác sản xuất kinh doanh đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp với diện tích 118 ha (trong đó khoanh nuôi bảo vệ rừng là 44ha, trồng rừng là 74ha) tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Hoàng Cẩn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã chỉ đạo giao cho Công ty Phước Sang 74 ha vào năm 2011 và 22,6 ha (trong diện tích 44 ha rừng khoanh nuôi) vào năm 2013 để san ủi trồng cao su.

Cơ quan chức năng công bố có 4,6 ha (trong khu vực 74 ha) là rừng tự nhiên bị khai thác, thiệt hại hơn 1.678 m3 gỗ ước giá trị bằng tiền hơn 3,9 tỷ đồng; 22,6 ha rừng trong khu vực 44ha bị san ủi, gây thiệt hại hơn 941 m3 gỗ, ước hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 0,98 ha bị san ủi vượt so với diện tích bàn giao là 22,6 ha, thiệt hại 40,81 m3 gỗ quy bằng tiền gần 96 triệu đồng…

pha rung binh thuan
Một cây rừng bị chặt hạ tại Tiểu khu 279, (thôn 3, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh tư liệu/baobinhthuan.com.vn).

Tháng 8/2020, ông Dũng và ông Cẩn bị khởi tố về tội Hủy hoại rừng. Tuy nhiên đến đầu tháng 9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định thiệt hại tài nguyên rừng.

Đến tháng 5/2021, sau khi có kết quả giám định tài nguyên rừng, Cơ quan điều tra phục hồi điều tra và tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Theo Giám định viên lâm nghiệp, tổng diện tích rừng bị san ủi ở cả hai khu vực là 64,21 ha, thiệt hại trữ lượng gỗ hơn 2 triệu m3, thiệt hại quy tiền là gần 6,2 tỷ đồng.

Ngoài trách nhiệm chính thuộc về các bị can Dũng và Cẩn, Cơ quan CSĐT nhận định vụ án còn có liên quan cán bộ thuộc Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam, thuộc Chi cục Kiểm lâm – Lâm nghiệp Bình Thuận.

Năm năm trước, vào tháng 4/2016, ông Ngô Văn Phong (SN 1965), Phó Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam (thuộc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; ông Trần Hải Dương (SN 1987), nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận) bị bắt tạm giam về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Theo điều tra, từ cuối năm 2012 đến đầu 2014, ông Dương đã thuê lâm tặc khai thác rừng trái phép tại các tiểu khu 267, 279, 284 tại huyện Hàm Thuận Nam, thuộc lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận giao cho ông Phong trực tiếp quản lý.

Hơn 4.000 cây rừng bị nhóm người này cưa hạ với khối lượng 384,031m3 (gồm 324,948m3 gỗ và 59,084m3 củi), trị giá gần 800 triệu đồng. Toàn bộ số gỗ, củi được vận chuyển về TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) để tiêu thụ.

Minh Anh – Sơn Nguyên

Xem thêm: