Thắng cảnh Hòn Rơm ở phường Mũi Né (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) bị san ủi để làm dự án biệt thự rộng 85,7 ha nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường và giấy phép xây dựng.

nui hon rom bi cao troc
Thắng cảnh Hòn Rơm bị cạo trọc để làm khu biệt thự rộng 85,7 ha ‘không phép’. (Ảnh: Việt Quốc/vnexpress.net)

Báo chí nhà nước hôm 15/12 cho biết rất nhiều người dân ở TP. Phan Thiết tiếc nuối và bức xúc khi một thắng cảnh tuyệt đẹp trên biển Mũi Né là Hòn Rơm đang dần bị cạo trọc.

Hiện thắng cảnh Hòn Rơm như một đại công trường. Hàng chục phương tiện thi công san gạt trên núi Hòn Rơm. Cả ngọn núi rộng lớn bị cạo trọc để hạ cốt nền làm biệt thự. Nhiều lớp thực bì bên trên và đất đá đã bị các xe múc ủi đi, tạo nên hình ảnh lồi lõm, nhếch nhác. Dưới chân núi còn tập kết đống đất đá khổng lồ gần đường Mũi Né – Hòa Thắng…

Núi Hòn Rơm bị san ủi để xây Khu biệt thự cao cấp và du lịch – nghỉ dưỡng đồi Hòn Rơm, rộng 85,7 ha, do Công ty Cổ phần Thiên Hải (công ty Thiên Hải, trụ sở tại phường Xuân An, TP. Phan Thiết) làm chủ đầu tư.

Dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2016, với thời hạn hoạt động 50 năm, tổng vốn 500 tỷ đồng, theo báo Người Lao Động.

Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động cuối 2019, hoàn thành hạng mục biệt thự tháng 4/2021.

Dự án không giấy phép, chưa duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xác định dự án này chưa có giấy phép xây dựng, chưa duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong khi doanh nghiệp đã cho san ủi, cạo trọc cả quả núi, theo Zing News.

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, cho biết hồi tháng 10/2018, Sở nhận được đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Thiên Hải về dự án, song do vướng một số điều kiện nên hồ sơ không được thông qua.

Hai tháng sau, công ty lại nộp hồ sơ, song qua rà soát, Hội đồng thẩm định nhận thấy “các ý kiến góp ý dự án chưa được chủ đầu tư tiếp thu để điều chỉnh”, nên Sở trả lại hồ sơ, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung.

Đến tháng 2/2019, công ty tiếp tục nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cũng như lần trước, hồ sơ chưa hoàn chỉnh, nhất là những hạng mục công trình liên quan Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

“Đến giờ, Công ty Thiên Hải vẫn chưa nộp lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường”, ông Thái nói và cho biết thêm nguyên nhân chưa nộp là do “vướng điều chỉnh quy hoạch 1/500 tại khu vực dự án”.

Chủ đầu tư bị phạt 350 triệu đồng

Hồi tháng 5/2021, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng đối với Công ty Thiên Hải, vì thi công không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời đình chỉ hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, chủ dự án vẫn tiếp tục thi công công trình.

Đến tháng 11/2021, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ra quyết định xử phạt chủ dự án này 50 triệu đồng vì hành vi xây dựng 24 khối móng công trình không có giấy phép. Đồng thời, buộc Công ty Thiên Hải hoàn thiện giấy phép xây dựng, tháo dỡ công trình vi phạm trong 60 ngày.

Chiều 13/12, ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết sẽ yêu cầu sở ngành, địa phương kiểm tra để có hướng xử lý.

nui hon rom truoc khi bi cao 1
Thắng cảnh Hòn Rơm trước khi bị cạo trọc. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Địa danh Hòn Rơm có tên trên bản đồ Bình Thuận là Long Sơn thuộc ấp Long Sơn (phường Mũi Né) – cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Thuận 26 km.

Tại vùng đất Long Sơn có một ngọn núi cao hơn 50m nhô ra biển Đông, trên cao nhìn xuống tựa như con cá voi khổng lồ; mùa mưa cỏ cây xanh rì, còn những ngày nắng cỏ trên núi lại úa vàng. Những chiếc thuyền của ngư dân đi đánh cá chiều về từ xa nhìn ngọn núi giống như ụ rơm ở chốn quê… Vì thế, ngọn núi ở Long Sơn được người dân địa phương quen gọi cái tên dân dã là Hòn Rơm.

Sau nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, Mũi Né – nơi quan sát rõ nhất hiện tượng nhật thực đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng thế giới. Hòn Rơm và một số bãi tắm hoang sơ gần đó cũng được du khách quan tâm nhiều hơn.

Báo Bình Thuận trong bài viết hồi năm 2019 đã dùng từ “cổ tích” để ví về thắng cảnh Hòn Rơm. “Từ một mảnh đất heo hút, không điện, không đường, không trường, không trạm… bây giờ hạ tầng chỉnh chu, hàng chục khu du lịch mọc lên và mỗi năm thu hút cả triệu lượt người đến. 17km bờ biển Hòn Rơm là những dải cát vàng phục vụ phát triển du lịch.

Hòn Rơm nhô ra mặt biển nên tạo thành cái vịnh nhỏ, sóng êm, bãi tắm thoai thoải, sóng vỗ nhẹ, an toàn rất lý tưởng cho các khu nghỉ dưỡng; xa bờ một chút các vận động viên thể thao lợi dụng sức gió chơi các môn lướt sóng biển.

Điều thú vị hơn là nghỉ lại khu vực Hòn Rơm, buổi tối từng nhóm du khách rọi đèn pin chụp còng trên bãi biển; giới trẻ có sức khỏe sáng sớm trèo lên đỉnh Hòn Rơm dang rộng cánh tay ôm luồng gió mát từ đại dương thổi vào, ngắm nhìn đồi cát hồng di động hay ngắm làng chài Mũi Né trong ánh bình minh”.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Hà Giang phá núi, xây khu du lịch tâm linh Lũng Cú gần 900 tỷ đồng