Là Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà, ông Nguyễn Trọng Kiều đã chỉ đạo nhân viên thuê thợ cưa vào rừng khai thác trái phép 53,44 m3 gỗ trong lâm phần quản lý, chuyển về làm hàng chục bộ cửa, cầu thang, salon… tại nhà của anh họ, con trai. 

nguyen trong kieu truong ban quan ly rung phong ho la nga
Ông Nguyễn Trọng Kiều (áo trắng, thứ 4 từ trái sang) và thuộc cấp khi bị công an khởi tố, bắt tạm giam, ngày 25/3/2019. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Sau 6 ngày xét xử và nghị án, ngày 31/5 vừa qua, TAND huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) tuyên án đối với hàng loạt bị cáo là cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng tham gia khai thác gỗ trái phép về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

  • Bị cáo Nguyễn Trọng Kiều, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà bị tuyên 5 năm 6 tháng tù giam;
  • Bị cáo Hồ Quang Đạo, nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đa Mi: 3 năm 6 tháng tù giam;
  • Bị cáo Đoàn Tiến, nguyên Trạm phó Trạm bảo vệ rừng Đa Mi: 5 năm tù giam;
  • Bị cáo Lê Hoàng Trí, nguyên Trạm phó Trạm bảo vệ rừng Đa Mi: 30 tháng tù treo;
  • Bị cáo Trương Minh Tâm, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi: 30 tháng tù treo;
  • Bị cáo Bùi Phúc Lễ và Trần Văn Thành, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi: mỗi người 24 tháng tù treo.

Theo bản án, 6 bị cáo trên là các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi, trong đó ông Nguyễn Trọng Kiều, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà là người đứng đầu, được giao chức năng tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng trên diện tích lâm phần được giao quản lý.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2015 đến 8/2016, những người này đã thuê thợ cưa khai thác trái phép 53,44 m3 gỗ trong lâm phần được giao quản lý, thiệt hại theo định giá là 461.454.797 đồng.

HĐXX xác định ông Kiều là người đề ra chủ trương, chỉ đạo cho ông Đạo – Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đa Mi và các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi khai thác vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép. Ông Đạo đã tích cực thực hiện việc tổ chức khai thác gỗ trái phép, lập hồ sơ đối phó với các cơ quan chức năng.

Các ông Trí, Tâm, Tiến, Lễ và Thành biết rõ hành vi khai thác trái phép gỗ trong lâm phần được giao quản lý cho ông Kiều sử dụng là trái công vụ nhưng vì động cơ cá nhân nên đã tích cực làm theo.

HĐXX xác định các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, phân công trách nhiệm của từng người, từ việc chỉ đạo khai thác trái phép gỗ, thuê thợ cưa, tiếp tế, giám sát các thợ cưa, đến việc vận chuyển gỗ về cho ông Kiều sử dụng.

Bản án trên được đưa ra sau nhiều ngày VKSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Tại bản án sơ thẩm của TAND huyện Tánh Linh và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, cơ quan tố tụng đều xét xử ông Kiều và đồng phạm về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo Điều 232 Bộ luật hình sự 2015.

Theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, đây là “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”. Cơ quan này cho rằng các bị cáo trong vụ án là những người có chức vụ, quyền hạn, là chủ thể đặc biệt được giới chức tỉnh Bình Thuận giao cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích lâm phần được giao. Song, bị cáo Kiều lại đề xướng, tổ chức và chỉ đạo khai thác gỗ trái phép, các bị cáo còn lại tích cực tham gia.

Do đó, theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, có căn cứ để truy tố các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Phá rừng cho anh họ, con trai làm nhà

Trong quá trình điều tra, bị cáo Kiều không thừa nhận chỉ đạo Hồ Quang Đạo và các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi tổ chức khai thác gỗ trái phép.

Bị cáo Kiều khai rằng có nhờ Đạo mua giúp gỗ sao, sến me và trai cho anh họ và con trai làm nhà nhưng không biết nguồn gốc gỗ mà Đạo mang về Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà giao cho mình. Bị cáo Kiều cũng không trả tiền mua gỗ cho Đạo.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Hồ Quang Đạo và các thuộc cấp và các tài liệu khác như biên bản làm việc bàn giao quản lý gỗ vật chứng…, bị cáo Kiều bị kết luận đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã chỉ đạo cho bị cáo Đạo và các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi tổ chức thuê thợ cưa vào rừng thuộc lâm phần quản lý, bảo vệ khai thác gỗ trái phép để sử dụng cá nhân. Bị cáo Kiều phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc.

Bị cáo Đoàn Tiến, nguyên Trạm phó Trạm bảo vệ rừng Đa Mi, không thừa nhận hành vi thuê thợ cưa tổ chức khai thác gỗ trái phép, không biết việc các nhân viên trạm bảo vệ rừng Đa Mi tổ chức khai thác trái phép gỗ cho Kiều, mà chỉ thừa nhận tham gia bốc gỗ thu gom tang vật theo chỉ đạo của Đạo.

Thực tế, lời khai các bị cáo Đạo, Tâm, Trí, Thành và Lễ phù hợp với lời khai các thợ cưa và lời khai của các nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà. Từ đó, đủ cơ sở kết luận theo sự chỉ đạo của hai cấp trên là ông Kiều và ông Đạo, bị cáo Tiến đã thuê các thợ cưa vào rừng khai thác trái phép gỗ, huy động các nhân viên trạm bảo vệ rừng Đa Mi mang đồ ăn, nước uống, xăng, nhớt tiếp tế, giám sát các thợ cưa và trực tiếp cưa hạ một số cây gỗ.

Sau khi khai thác xong, bị cáo Tiến huy động các hộ đồng bào nhận khoán, các nhân viên trạm bảo vệ rừng Đa Mi bốc, vận chuyển gỗ ra điểm tập kết, sau đó bốc lên xe vận chuyển về cho ông Kiều. Do đó, bị cáo Tiến phải chịu trách nhiệm chung trong vụ án với vai trò là người thực hành tích cực.

Cây gỗ bị khai thác là cây gỗ các loại từ nhóm IIA [loại gỗ quý hiếm nhất, đều là gỗ cấm khai thác do đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do bị khai thác quá mức – chú thích] đến VIII [gỗ tạp] như gỗ đỏ, trai đen, sao đen, hương, sến me…

Được biết, một phần số gỗ khai thác trái phép đã làm thành 16 bộ cửa, 1 bộ cầu thang gắn liền với nhà ở của anh họ bị cáo Kiều (thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận); 21 bộ cửa, 15 thanh lam trang trí, 1 tủ bếp, 1 tủ trang trí, 1 bộ bàn ghế salon, 1 bộ cầu thang bằng gỗ gắn liền với nhà ở của con trai bị cáo Kiều (quận 2, TP.HCM) và 1 bộ bàn ghế salon đang để tại nhà ở của bị cáo Đạo (thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).

Sơn Nguyên