Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc Bộ không đồng ý cắt giảm diện tích các vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển trong tổng diện tích 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

khu-bao-ton-bien-hon-cau-fb
Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nơi phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển và loài thủy sinh vật quý hiếm. (Ảnh: FB Khu bảo tồn biển Hòn Cau)

Theo Quyết định số 2606 của UBND tỉnh Bình thuận về việc thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau (ngày 15/11/2010), khu bảo tồn có diện tích 12.500 ha (trong đó diện tích biển là 12.360 ha và diện tích đất – Hòn Cau là 140ha). Khu bảo tồn có 4 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi, diện tích 1.250 ha); Vùng đệm (1.210 ha); Vùng phục hồi sinh thái (808ha) và Vùng phát triển (9.232 ha).

Tuy nhiên, vào tháng 9/2016 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT xin điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau; do các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân nằm chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn hơn 1.000 ha.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho cắt giảm 1.060 ha trong tổng số 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nhường diện tích cho các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân.

Trả lời đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ NN&PTNT cho biết, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nơi phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển. Đây cũng là vùng sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng.

Với diện tích 12.500 ha, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tính toán đảm bảo mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển quý hiếm.

khu-bao-ton-bien-hon-cau-fb-2
Khu bảo tồn biền Hòn Cau có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và động thực vật quý hiếm khác. (Ảnh: FB Khu bảo tồn biển Hòn Cau)

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, theo Quyết định 742 (ngày 26/5/2010) quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là đến hết năm 2015, ít nhất có 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn và 30% trong số đó được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương mới chỉ thực hiện được khoảng 0,16% diện tích vùng biển và khu bảo tồn biển.

Do đó, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích đến hơn 1.000 ha của tỉnh Bình Thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch khu bảo tồn biển; ảnh hưởng lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và động thực vật quý hiếm khác.

Cùng với đó, Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT đối với các dự án thành phần liên quan đến công trình Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân không đề cập đến tác động của việc thu hẹp Khu bảo tồn biển Hòn Cau đến hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và các loài động vật biển cùng một số loài quý hiếm khác,…

Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT không đồng ý giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau theo đề nghị của tỉnh Bình Thuận, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ TN&MT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của các dự án đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Hải Linh

Xem thêm: