Thống kế đến nay, Bộ công an đã tổ chức cấp số định danh cá nhân cho trên 12,5 triệu trường hợp tại 16 tỉnh, thành phố.

bo cong an lay thong tin ca nhan
Bộ công an đã tổ chức cấp số định danh cá nhân cho trên 12,5 triệu trường hợp tại 16 tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa: bocongan)

Bộ Công an vừa thông tin về việc cấp mã số định danh cá nhân trên cả nước.

Theo Bộ Công an, thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 và Luật Hộ tịch năm 2014, hiện Bộ đang triển khai cấp mã số định danh cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, Bộ đã tổ chức cấp số định danh cá nhân cho trên 12,5 triệu trường hợp thông qua công tác cấp Căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các tỉnh còn lại sẽ cấp trong triển khai giai đoạn 2 của Dự án cấp, quản lý Căn cước công dân.

Bộ đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh. Đến nay, Bộ đã tổ chức cấp trên 1,7 triệu trường hợp tại 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cũng theo Bộ Công an, thực hiện Quyết định số 896 ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung hoàn thiện các điều kiện để triển khai Đề án. Cụ thể:

  • Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
  • Tổ chức thí điểm thu thập thông tin dân cư và thí điểm triển khai phần mềm đăng ký quản lý cư trú;
  • Xây dựng phần mềm để triển khai kết nối giữa hệ thống cấp căn cước công dân và hệ thống cấp số định danh cá nhân quốc gia;
  • Tiến hành rà soát, thống kê đơn vị hành chính, tổng số nhân, hộ khẩu;…

Bộ Công an đang triển khai thu thập thông tin dân cư trên phạm vi cả nước và sẽ tiếp tục yêu cầu các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung liên quan để sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật.

Sau khi thu thập, thông tin của công dân sẽ được cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được gắn một mã số định danh cá nhân. Đây sẽ là mã số dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đề án đang được đăng ký bổ sung danh mục vốn trung hạn, giai đoạn 2016-2020 để triển khai một cách đồng bộ theo quy định tại Khoản 4, Điều 38, Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này” – Bộ công an thông tin.

Trước đó đầu năm 2018, tại buổi tổng kết của Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ban Chỉ đạo 896), ông Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết do vướng mắc về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm so với kế hoạch đề ra, dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại buổi tổng kết, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương, bảo đảm đến năm 2019 cả 63 tỉnh, thành phố đều được cấp số định danh cá nhân.

Theo thống kê, đến năm 2018, trong số 5.400 thủ tục hành chính các loại có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Bộ Tư pháp cho hay nếu thực hiện đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân theo công nghệ số sẽ tiết kiệm được 461 tỷ đồng/năm.

Văn Duy

Xem thêm: