Bộ Công an Việt Nam đề xuất trẻ em từ lúc sinh ra cần được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay vì phải chờ đủ 14 tuổi, đồng thời bổ sung mống mắt, ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước.

lam the cccd gan chip 1
Công an lấy dấu vân tay để làm thẻ CCCD gắn chịp trong một đợt huy động làm thẻ tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, tháng 4/2022. (Ảnh: congan.laichau.gov.vn)

Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp từ 23/6 đến 23/7 (30 ngày).

Trong bản dự thảo, Bộ Công an tổng kết và đánh giá tác động của chính sách về CCCD, đưa thông tin về kết quả thi hành Luật CCCD, chỉ ra những bất cập và đề xuất nhiều quy định mới.

Bộ Công an cho biết ngày 1/7/2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã được chính thức đưa vào vận hành. Trên cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập, Bộ Công an đã cấp hơn 98,5 triệu số định danh cho công dân trên cả nước đang có trên hệ thống (đã loại bỏ các trường hợp: công dân bị trùng; đã chết; thôi quốc tịch; công an địa phương đề xuất xóa và các công dân chưa được làm sạch dữ liệu bao gồm cả những công dân thiếu nơi thường trú). Đây được cho là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Tổng cộng 50 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã cấp từ ngày 1/3/2021 đến ngày 30/6/2021. Trong đó, cấp mới 46.834.593 trường hợp, cấp đổi 4.627.395 trường hợp, cấp lại 5.244.402 trường hợp.

Về việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về cấp CCCD, Bộ Công an cho hay vẫn còn những hạn chế như đội ngũ cán bộ thiếu, chưa được tập huấn về nghiệp vụ tàng thư CCCD; cách thức lưu trữ hồ sơ cấp CCCD chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây lãng phí về nhân lực, diện tích nhà tàng thư và kinh phí mua sắm tủ tàng thư, túi hồ sơ CCCD.

Về nội dung đề xuất, Bộ Công an đưa ra một loạt kiến nghị, sửa đổi Luật Căn cước công dân.

Tích hợp loạt thông tin dân sinh, sự nghiệp vào thẻ CCCD

Theo Bộ Công an, Luật Căn cước công dân hiện nay quy định dữ liệu của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chỉ bao gồm một số nhóm thông tin (họ, tên, năm sinh, giới tính, quốc tịch…). Việc giới hạn thông tin sẽ gây khó khăn khi triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022).

Do đó, Bộ Công an đề xuất tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về CCCD) vào thẻ CCCD, thay thế một số loại giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ, công chức, viên chức, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.

Bổ sung thêm các nhóm thông tin sau vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm số CMND của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về Người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Bổ sung ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước

Đáng lưu ý, Bộ Công an đề xuất chỉnh lý tên gọi Cơ sở dữ liệu CCCD thành Cơ sở dữ liệu căn cước, đồng thời bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói), thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định tại Việt Nam, tài khoản định danh điện tử.

Lý giải về những đề xuất trên, Bộ Công an cho rằng nếu thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước không phải tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập thông tin của công dân và người không quốc tịch nhưng sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam một cách đơn lẻ; giảm nhân lực và đầu mối cần bố trí để quản lý thông tin cá nhân; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD được làm giàu thêm giúp xác thực thông tin cá nhân, thực hiện các việc thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư…

Với cá nhân, Bộ Công an cho rằng bổ sung thêm các nhóm thông tin giúp công dân và người không quốc tịch nhưng sinh sống lâu dài tại Việt Nam không phải kê khai nhiều lần, làm việc với nhiều cơ quan khác nhau để cung cấp thông tin vì dữ liệu đã có ở Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD.

Mở rộng phạm vi tuổi quản lý, cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi

Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi (hiện nay có khoảng 20 triệu người) vào Luật CCCD, thay cho quy định cấp CCCD cho người trên 14 tuổi.Đối với trẻ mới sinh, việc cấp CCCD được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh.

Đồng thời, Bộ này đề xuất bổ sung quy định về cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp CCCD cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính) hoặc có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật CCCD các quy định chuyển tiếp về thời hạn sử dụng thống nhất thẻ CCCD gắn chíp thay thế cho CMND và thẻ CCCD có mã vạch để tăng cường bảo mật; chống làm giả, khai thác, ứng dụng tiện ích mới của thẻ CCCD; đồng thời, bổ sung quy định hạn chế việc buộc thay đổi, điều chỉnh thông tin trên giấy tờ, tài liệu của công dân có sử dụng thông tin CMND bằng thông tin về thẻ CCCD qua ứng dụng mã QR code và chíp điện tử trên thẻ CCCD.

Nguyễn Quân