Cán bộ Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết “không phải hàng chục, hàng trăm mà có thể hàng nghìn người đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức”, việc giải cứu họ không dễ dàng.

lua sang campuchia viec nhe luong cao
Em N.Q.C (thứ 3, từ trái qua), sinh năm 2005, cư trú phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, trước đó bị lừa sang Campuchia để làm việc nhẹ, lương cao. (Ảnh: congan.angiang.gov.vn)

Ngày 22/8, ông Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, dẫn chứng vụ 42 người Việt tháo chạy khỏi casino Campuchia để cảnh báo tình trạng trên.

Ông Oanh cho biết những người Việt bị lừa sang Campuchia để làm “việc nhẹ, lương cao” bị giam giữ, bóc lột sức lao động, khi phát hiện bị lừa, tìm cách trốn thoát rất khó khăn, mạo hiểm cả tính mạng.

“Những người sử dụng lao động có những chiêu bài giam giữ, giao nhóm côn đồ kiểm soát, ngăn chặn người lao động bỏ trốn. Trong khi đó, người lao động Việt sang nơi đất khách quê người, không biết tiếng địa phương, không thông thuộc địa hình cũng như am hiểu pháp luật, không có thông tin”, ông Oanh nói.

Tình trạng xuất cảnh trái phép, trở thành nạn nhân của buôn người xảy ra hầu hết các tỉnh kinh tế khó khăn, như địa phương biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, Tây Nguyên… Người đi thường là lao động nghèo khó, song cũng có nhiều thanh thiếu niên, thậm chí sinh viên gia cảnh bình thường, muốn đổi đời nhanh, nghe theo mời chào trên mạng rồi trốn đi. Các em sợ bị ngăn cản nên giấu gia đình, khiến việc tìm kiếm thông tin rất khó.

“Không phải hàng chục, hàng trăm mà có thể hàng nghìn người đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn”, ông Oanh cho hay.

Theo ông Oanh, “việc giải cứu những lao động này cũng không dễ dàng” vì sự vụ đều xảy ra ở bên kia biên giới, có những cơ sở nằm giữa rừng sâu, ngụy trang thành điểm sản xuất. Người ngoài không thể biết được những gì đang xảy ra phía trong. Các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn khi xác minh thông tin.

Cũng theo ông Oanh, tội phạm rất tinh vi thường không gặp gỡ trực tiếp mà liên hệ với người có nhu cầu qua mạng xã hội, thậm chí ứng trước cho một số tiền để tạo niềm tin. Chúng yêu cầu người dân tự bắt xe ra cửa khẩu biên giới rồi tổ chức thành từng nhóm đi theo đường tiểu ngạch. Khi người lao động bắt đầu làm việc, chúng mới thu tiền môi giới, nhà chức trách nêu thủ đoạn.

Bộ Công an đưa ra lời khuyên, nếu người lao động có ý định rời khỏi địa phương tìm kiếm công việc ở nước ngoài nên tham vấn với cơ quan chức năng hoặc với gia đình, nhà trường, với những người thân là đi đâu, đi với ai, làm gì, thời gian dự kiến trở về chứ không tự ý bỏ đi. Bởi khi đã sa vào tay tội phạm, các cơ quan chức năng rất khó truy tìm và giải cứu.

“Việc xuất cảnh trái phép, nhập cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ gặp nhiều hệ lụy như không được bảo hộ, đảm bảo quyền lợi về tính mạng, sức khỏe, tài sản; bị các cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đẩy đuổi vì nhập cảnh, cư trú trái phép…”, ông Oanh nhấn mạnh.

Theo ông Oanh, Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã có Hiệp định song phương về phòng chống buôn bán người. Khi có vụ việc, lực lượng chức năng của Việt Nam phối hợp, thực hiện đúng quy trình pháp luật song phải chờ cơ quan chức năng Campuchia truy tìm, xác minh và cung cấp hồ sơ.

Bộ Công an tháng trước cũng đã phát đi cảnh báo về tình trạng người Việt bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo, bị bóc lột sức lao động.

Người nào muốn về phải gọi cho người thân nộp tiền chuộc, mức 3.000-30.000 USD. Một số trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Kẻ cầm đầu các ổ nhóm này được xác định là người Trung Quốc, dưới sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia.

Theo Bộ Công an, các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở các khu như Bavet, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompenh.

Thống kê từ Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép tại Campuchia đã được giải cứu.

Minh Long