Với thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2 tới, Bộ Công an Việt Nam quy định chi tiết về việc bảo vệ tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí cũng như trường hợp không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra đối với người được bảo vệ.

canh sat co dong
Cảnh sát cơ động trong một sự kiện tại Hồ Gươm, Hà Nội, tháng 10/2018. (Ảnh minh họa: Mithun Pandit/Shutterstock)

Hôm 29/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký ban hành Thông tư số 145/2020/TT-BCA quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.

Thông tư gồm 12 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021.

Theo nội dung quy định, những người được bảo vệ là những người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí (sau đây gọi chung là người được bảo vệ), ngoại trừ trường hợp người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài.

Phạm vi bảo vệ gồm: Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người được bảo vệ, trừ trường hợp tài sản của người được bảo vệ tại nước ngoài.

Biện pháp bảo vệ được áp dụng khi có căn cứ rằng tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những người thuộc nhóm trên có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc, do hành vi tố cáo tham nhũng, lãng phí.

Đáng chú ý, quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Cụ thể, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan Công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ trong trường hợp người được bảo vệ tự đề nghị chấm dứt, từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Tố cáo.

Điều này có nghĩa bên giải quyết tố cáo và bên bảo vệ không chịu trách nhiệm về hậu quả (nếu có) nếu người được bảo vệ không chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; không giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; hoặc không thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ.

Việc bảo vệ do cơ quan Công an các cấp theo địa chỉ nơi ở hoặc nơi có địa chỉ tài sản của người được bảo vệ chủ trì, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp.

Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ có thể do người tố cáo đề nghị, hoặc do người có thẩm quyền giải quyết tố cáo đề nghị.

Thời hạn Công an các cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc không cần thiết áp dụng là 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị biện pháp bảo vệ. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ là không quá 5 ngày làm việc.

Trong văn bản thông báo từ chối, Thủ trưởng Công an các cấp cần nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, người tố cáo; hoặc gửi văn bản thông báo cho người giải quyết tố cáo biết để giải thích lý do cho người tố cáo.

Kinh phí áp dụng biện pháp bảo vệ từ ngân sách Nhà nước. Việc lập dự toán kinh phí do công an các đơn vị, địa phương thực hiện, và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi an ninh hàng năm và gửi về Bộ Công an (qua Cục Kế toán và tài chính) để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Tham nhũng chính sách