Đại diện Bộ Công an Việt Nam vào chiều 29/10 tiếp tục lên tiếng bác bỏ thông tin trong công luận về việc Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Lần bác bỏ gián tiếp được người phát ngôn của bộ này đưa ra hồi đầu tháng 7 vừa qua, khi tập đoàn này liên tiếp thoái vốn tại một số công ty.

bo cong an truc tiep bac tin chu tich vingroup pham nhat vuong bi cam xuat canh
Trung tướng Tô Ân Xô tuyên bố ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch VinGroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh, hoạt động của VinGroup vẫn bình thường. (Ảnh Nhật Bắc/VGP)

Báo Chính Phủ tối 29/10 công bố tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch VinGroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh và hoạt động của VinGroup ổn định bình thường.

Trung tướng Tô Ân Xô giữ vị trí Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an.

Sau khi khẳng định vụ án xảy ra tại Công Cổ phần (CP) Tập đoàn Đầu tư An Đông và bị can Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm “hoàn toàn không có yếu tố hình sự hoá quan hệ kinh tế – xã hội”, ông Xô đề cập đến “những thông tin thất thiệt vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, tôn trọng pháp luật”, lấy ví dụ về Tập đoàn Vingroup.

“Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn của chúng ta hoạt động ổn định, bình thường. Ví dụ, tôi khẳng định, đến giờ phút này, ông Phạm Nhật Vượng không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh, chắc chắn là như thế.  Vingroup vẫn hoạt động bình thường.  Vingroup là một trong những doanh nghiệp đóng thuế rất lớn cho nhà nước. Chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ và tôn trong pháp luật, đừng lan thông tin sai trái, sai sự thật”, ông Xô nói.

Đây là lần thứ hai Bộ Công an đưa ra phát ngôn phản bác những tin đồn xoay quanh tập đoàn lớn này.

Vào ngày 11/7 vừa qua, không trực tiếp nhắc đến ông Vượng, nhưng một bản tin ngắn trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết “một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.”

Bộ Công an cho hay các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Động thái trên được đưa ra khi từ ngày 9/7, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn Chủ tịch Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh trước hoạt động thoái vốn tại nhiều công ty.

Ngày 5/7, Công ty CP Vinhomes (công ty con của Tập đoàn Vingroup ) ký vào bản “công bố thông tin bất thường” gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho biết đã có quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp với giá trị hơn 1.600 tỷ đồng tại Công ty CP Vinpearl Landmark 81. Sau khi hoàn tất thương vụ, Vinhomes sẽ không còn sở hữu cổ phần và không còn là công ty mẹ của Vinpearl Landmark 81.

Việc Vingroup thoái vốn khỏi công ty One Mount Group, đã diễn ra từ tháng 3/2022. Đây là một công ty thành viên thuộc Vingroup được thành lập vào cuối năm 2019 trên cơ sở hợp tác với Techcombank (vốn điều lệ ban đầu hơn 3.000 tỷ đồng).

Cùng thời điểm thông báo chuyển nhượng cổ phần tại One Mount Group, Vingroup thông báo thành lập Công ty cổ phần Genestory với vốn điều lệ hơn 102 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 99,02% cổ phần. Tuy nhiên, tới cuối tháng 5, Vingroup thoái vốn khỏi Công ty CP GeneStory. Số lượng cổ phần Vingroup muốn rao bán cũng như giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng sau khi hoàn tất giao dịch, GeneStory không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Ngày 28/3, báo chí dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cánh sát điều tra Bộ Công an khẳng định Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC – ông Trịnh Văn Quyết chỉ bị cấm xuất cảnh từ ngày 26/3 đến hết 25/4 để xác minh một số nội dung, còn tin ông Quyết bị bắt giam “là thất thiệt, không chính xác”.

Một ngày sau, ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.

Vụ Tập đoàn An Đông (Vạn Thịnh Phát): Một số trường hợp qua đời do đột tử

Đề cập đến vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo yêu cầu của báo chí trong cuộc họp báo chiều 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay đây là vụ án rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật trong cả quá trình điều tra, trinh sát và khởi tố, do lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo.

“Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố, ngang dọc, trên dưới, trong ngoài, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, để có những phương án, đối sách phù hợp, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.” – ông Xô nói.

Bản tin đăng trên báo Chính Phủ dẫn lời của đại diện Bộ Công an thừa nhận trong quá trình tố tụng, có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử – điều mà ông Xô cho rằng “gây khó khăn thêm cho quá trình điều tra”.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng khẳng định “không hề có yếu tố hình sự hóa các quan hệ kinh tế xã hội trong vụ việc”, mà là “yếu tố thượng tôn pháp luật được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân”. 

Nguyễn Quân