Bộ Giáo dục Việt Nam phải lên tiếng giải thích trước thông tin tiếng Hàn sẽ là môn học “bắt buộc” từ lớp 3 đến lớp 12.

hoc sinh
(Ảnh minh họa: dienbien.edu.vn)

Bộ Giáo dục Việt Nam vừa ra quyết định số 712 về việc “Ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức – Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm” do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 9/2/2021.

Đáng chú ý, ở phần đặc điểm môn học, quyết định 712 viết “Môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12” khiến dư luận hoang mang, khó hiểu, cho rằng học sinh sẽ bắt buộc phải học tiếng Hàn hoặc tiếng Đức trong chương trình giáo dục phổ thông. Thậm chí, họ còn băn khoăn bởi tại sao lại là tiếng Hàn mà không phải là một thứ tiếng nào khác?

Chiều hôm 4/3, Bộ Giáo dục Việt Nam đã phải lên tiếng trước vấn đề này.

Theo lý giải từ ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, từ “bắt buộc” ở đây không có nghĩa tiếng Hàn sẽ trở thành môn học “bắt buộc”, mà từ này dùng để giải nghĩa cho cụm “ngoại ngữ 1”.

Tức là, Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào trong các môn thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cứng nhắc bắt buộc phải học môn Tiếng Hàn.

Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006, học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm “Ngoại ngữ 1”.

Năm 2011, Bộ bổ sung Tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Sau khi có quyết định số 712, ngoại ngữ 1 sẽ có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Các trường sẽ bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.

Còn “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Theo đó, căn cứ vào ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn 1 trong 7 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ 2. Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như ngoại ngữ 2.

“Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ Giáo dục sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác”, ông Thành cho biết.

Minh Long

Giáo viên tại Việt Nam lên ‘cơn sốt’ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp