Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án BOT do Bộ quyết định đầu tư.

tram thu phi bot 02
Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định chỉ cách trạm thu phí BOT Nam Bình Định 64 km (đều trên QL 1); cách trạm BOT Nam Bình Định 34 km là trạm BOT QL 19 – điều này là trái với Thông tư 59 của Bộ Tài chính. (Ảnh: Lưu Tâm)

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Cơ quan này nhận định việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước, nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Về văn bản quy phạm pháp luật, nhiều quy định chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ; tính pháp lý chưa cao, văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất mới chỉ là nghị định. Đặc biệt một số quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý. Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ là cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu, quyền lựa chọn của người tham gia giao thông không được bảo đảm.

Bất cập, thiếu minh bạch trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Sai sót trong công tác thiết kế, dự toán làm tăng giá trị dự toán công trình. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu nhưng nhiều nhà đầu tư, nhà thầu lại có nguồn lực hạn chế dẫn đến công trình thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Thực tế triển khai thu phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, yếu kém trên do công tác kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm. Trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng chưa chủ động tổng kết, đánh giá và kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhưng các cơ quan đã cho phép triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức này.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí (giá thu phí, thỏa thuận vị trí đặt trạm và quy trình giám sát thu phí) chưa hợp lý.

Cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư, việc thông báo tới người dân, tạo sự đồng thuận trong việc lựa chọn dự án, vị trí đặt trạm thu phí, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng…

Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật.

Chỉ áp dụng BOT đối với các tuyến đường mới

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan bộ ngành hoàn thiện pháp luật đầu tư theo hình thức BOT để Quốc hội sớm ban hành Luật, tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ.

Thường vụ Quốc hội yêu cầu: Bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư; nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với năng lực tài chính của nhà đầu tư; rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư… ; bổ sung chế tài xử lý đối với nhà đầu tư chậm quyết toán, chậm công khai cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn…

Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, chỉ được áp dụng cho các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.

Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp huy động vốn nước ngoài, sớm quyết toán các dự án đã hoàn thành, hoàn thiện rà soát vị trí đặt trạm, có chính sách miễn, giảm giá tại các trạm, từ năm 2019 triển khai đồng bộ giá dịch vụ không dừng trên tất cả dự án BOT; từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Nguyễn Quân

Xem thêm: